Để mọi người cùng chung tay

Nhiều người đã cho rằng ngày nay “Lục Vân Tiên” không còn nhiều. Cái tâm lý “thúc thủ cầu an” tuy không bao trùm tất cả nhưng dường như nó luôn có trong mỗi người. Thực tế vẫn có sự liên hệ về mối quan hệ nhân quả giữa “không phải việc của tôi” với “hậu quả của tôi”. Chẳng hạn như, một người thấy người khác xả rác bừa bãi mà không nhắc nhở thì chính bản thân người đó sẽ phải sống trong môi trường đầy rác; một người thấy trộm mà không tri hô, không đấu tranh thì sẽ có lúc trở thành nạn nhân của tên trộm đó…

Tuy nhiên, để mọi người cùng chung tay đẩy lùi dần cái ác, cái xấu (không chỉ trên đường phố và trong xã hội) thì không thể kêu gọi suông. Vai trò của các cơ quan công quyền phải được phát huy một cách tích cực nhất. Vẫn còn đó phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhưng các phong trào này sẽ đi đến đâu nếu vai trò hạt nhân của các cơ quan công quyền, của các cán bộ, công chức quá mờ nhạt? Tức là, để một người mạnh dạn ra tay truy bắt cướp thì ít nhất họ cũng được biết rằng sau lưng họ là ai, chứ không phải sự lo lắng rằng sẽ không có ai cả, hoặc mọi người xung quanh thì chỉ dám nhìn qua khe cửa, còn lực lượng công an không biết bao giờ mới đến… Hoặc nếu họ gặp rủi ro thì có sự quan tâm nào đến gia đình họ không… Như vậy, cơ quan công quyền vẫn là lực lượng chính, sự tham gia của người dân chỉ là phụ trợ, bổ sung.

Tôi được biết, ở một số nước phát triển, ý thức công dân của người dân rất cao nhưng hiếm có việc họ trở thành “Lục Vân Tiên”, vì việc một cá nhân tấn công một cá nhân khác mà không phải hành vi tự vệ chính đáng đều là vi phạm pháp luật. Hành động ý nghĩa nhất của họ là báo cảnh sát và lực lượng an ninh của họ thường xuyên làm việc hiệu quả, tạo được niềm tin cho người dân.

Trúc Giang (quận 3)

Tin cùng chuyên mục