Để nâng chất ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu

Với lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan tự nhiên cùng bề dày lịch sử phát triển du lịch, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) được biết đến như một địa điểm tham quan nghỉ dưỡng lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên hiện nay, so với các địa phương ven biển khác, ngành công nghiệp không khói của tỉnh này dường như vẫn “dậm chân tại chỗ”…

Những tín hiệu mới

Ngành du lịch tỉnh BR-VT mở đầu năm du lịch (DL) 2017 bằng những tín hiệu tốt lành, đầu tiên là việc công bố Quyết định thành lập Sở Du lịch dựa trên cơ sở tách chức năng quản lý Nhà nước về du lịch từ Sở VH-TT-DL, bổ nhiệm ông Trịnh Hàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT (UDEC) giữ chức Giám đốc Sở. Tiếp đó là con số khách du lịch trong những ngày tết Nguyên đán Đinh Dậu đạt 561.644 lượt, tăng 11,8% so với cùng kỳ, trong đó riêng Vũng Tàu đón và phục vụ 324.500 lượt khách.

Du khách lên tàu thủy cao tốc từ Vũng Tàu đi TPHCM

Nhưng hào hứng nhất là việc Công ty CP Du lịch Dầu khí Thái Bình Dương đã đưa vào khai thác tuyến giao thông thủy TPHCM - Vũng Tàu bằng 2 tàu cao tốc trị giá 14 tỷ đồng từ ngày 10-2. Mỗi tàu có sức chở khoảng 40 hành khách với thời gian hành trình từ 1 giờ 20 phút đến 1 giờ 40 phút, có mức độ an toàn tuyệt đối nhờ thiết kế phao nổi bên hông, giá vé 200.000 đồng/người. Sau khi dừng hoạt động 4 chiếc tàu cao tốc cánh ngầm chạy tuyến TPHCM - Vũng Tàu ngày 31-12-2016 vì hết niên hạn sử dụng thì việc đưa loại tàu tốc mới này đã đáp ứng nhu cầu đi lại đa dạng của du khách bằng bằng đường thủy từ TPHCM đi Vũng Tàu và ngược lại.

Với nhiều du khách, nhất là du khách từ TPHCM thì tới Vũng Tàu là để tắm biển và thưởng thức hải sản tươi sống. Nhưng khi nhu cầu của khách du lịch trở nên đa dạng thì những yếu tố này trở nên thiếu sức hút, nhất là đối với khách quốc tế. Với sự vươn lên mạnh mẽ của các tỉnh trong khu vực như Bình Thuận, Khánh Hòa, ngành du lịch của BR-VT có dấu hiệu tụt hậu.

Toàn tỉnh Bà Rịa hiện có 279 cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng, với số phòng là 11.031. Trong đó, 4 cơ sở được xếp hạng 5 sao, 16 cơ sở 4 sao, 18 cơ sở 3 sao… Nghĩa là nếu tính các cơ sở từ 3 sao trở lên trên tổng số thì tỷ lệ này là 13,62%, một tỷ lệ quá thấp. Tổng doanh thu DL năm 2016 của BR-VT đạt 2.188 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 so với Khánh Hòa. 

Toàn tỉnh có 192 dự án đầu tư DL với tổng vốn đăng ký gần 46.000 tỷ đồng và trên 10,75 tỷ USD; tổng vốn thực hiện đến nay là trên 8.653 tỷ đồng và gần 777 triệu USD. Trong đó, với các dự án đầu tư trong nước thì tổng vốn thực hiện là trên 8.653 tỷ đồng, chỉ đạt 18,81% trên tổng vốn đăng ký. Điều đó lý giải tại sao trong khi ở Nha Trang, Đà Nẵng khách sạn cao cấp thi nhau mọc lên chỉ trong 5 - 7 năm thì ở Vũng Tàu hầu như là chỉ có các khách sạn cũ.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP Du lịch Dầu khí Thái Bình Dương thì vấn đề của DL BR-VT là không có chỗ cho du khách tiêu tiền, cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực DL vẫn chưa có nhiều ưu đãi hấp dẫn. 

Giải pháp nào để nâng chất?

Ông Trần Tuấn Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch tỉnh BR-VT, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh phân tích, BR-VT hiện nay có nhiều tiềm năng lợi thế về DL, trong đó DL về nguồn kết hợp DL tâm linh (huyện Côn Đảo) mang nét đặc trưng riêng biệt; DL cuối tuần là loại hình truyền thống phổ biến, khách du lịch chủ yếu đến từ các tỉnh, thành giáp ranh hoặc có vị trí địa lý gần với tỉnh. Vũng Tàu với lợi thế gần TPHCM nên việc tổ chức sự kiện kết hợp DL nghỉ dưỡng rất cần chú trọng, nhất là với những đối tượng khách hàng có điều kiện về kinh tế. Tuy nhiên, đến nay BR-VT vẫn chưa thực hiện được điều này.

Nhưng để tăng số ngày lưu trú của khách khi đến với Vũng Tàu, hay khai thác lợi thế DL hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng, lại đòi hỏi phải có các cơ sở khách sạn, resort hiện đại 4-5 sao với dịch vụ đa dạng, có chất lượng bãi tắm tốt, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách, tạo thêm nhiều sản phẩm DL đa dạng…

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch BR-VT, các giải pháp trọng tâm để phát triển DL của tỉnh là hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển DL tỉnh BR-VT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; quy hoạch khu du lịch quốc gia Long Hải - Phước Hải, từ đó đề xuất các chính sách về đất đai, thuế, nguồn nhân lực, quảng bá tiếp thị… để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp, các khu vui chơi giải trí, các khu du lịch chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách tại khu vực Paradise - Vũng Tàu, vườn thú hoang dã Safari - Xuyên Mộc, khu du lịch Núi Dinh - Bà Rịa, cảng chuyên đón tàu khách DL, Khu du lịch quốc gia Côn Đảo; triển khai các đề án về an ninh DL, môi trường DL và ứng xử văn hóa trong DL nhằm nâng cao chất lượng DL của  các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đối với khách DL khi đến địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở DL trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, kiên quyết không để xảy ra tình trạng chèo kéo, chặt chém, cướp giật đối với du khách, nhằm tạo môi trường DL thân thiện, an toàn.

VĂN PHONG - NÔNG NGÂN

Tin cùng chuyên mục