Đề nghị ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh

Tăng tuổi phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp

(SGGP).- Chiều 23-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe đoàn giám sát báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược với trọng tâm là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh yêu cầu hình thành thế trận quốc phòng an ninh (QPAN) vững chắc ở khu vực Tây Nguyên bằng cách xây dựng các cộng đồng dân cư sinh sống ổn định dọc khu vực biên giới. Muốn vậy, nhà nước cần có chiến lược đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tạo kế sinh nhai ổn định cho người dân, khuyến khích họ bám đường biên, lập nghiệp...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn lưu ý đến yêu cầu hoàn thiện chính sách pháp luật; trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, phát triển rừng; thể hiện tư tưởng gắn liền phát triển kinh tế rừng với bảo đảm QPAN biên giới. Thống nhất với ý kiến của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ về ưu tiên đầu tư cho các địa bàn trọng điểm, ông Hà Công Tuấn nói thêm: “Ở khu vực Tây Nguyên, một trong những vấn đề bức thiết nhất hiện nay là bảo đảm an ninh nguồn nước, nếu không thì không thể phát triển kinh tế; mặc dù kinh phí cho công tác này là rất lớn”.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì đề nghị bổ sung vào báo cáo giám sát các giải pháp về xã hội để đảm bảo sự đồng bộ về kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Công tác đào tạo cán bộ người dân tộc tại chỗ cũng được bà Trương Thị Mai coi là một giải pháp hết sức quan trọng… Khẳng định một liên hệ hữu cơ giữa phát triển kinh tế và đảm bảo QPAN, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành đề nghị của đoàn giám sát về việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. “Cần phải rà lại tất cả các khâu ở các tầng nấc, từ khung chính sách pháp luật cho đến việc triển khai thực hiện ở các cấp ngành từ trung ương đến địa phương” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và cho rằng cần đánh giá kỹ hơn vai trò của các đơn vị kinh tế quốc phòng để tìm ra mô hình tổ chức, hoạt động hiệu quả nhất.

Tăng tuổi phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp

Trong tờ trình về dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng tại phiên họp UBTVQH ngày 23-9, Chính phủ đề nghị tăng tuổi phục vụ trong quân ngũ của các quân nhân chuyên nghiệp để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đồng thời phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan (như Bộ luật Lao động, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Bảo hiểm xã hội). Ngoài quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất, dự thảo luật còn quy định quân nhân chuyên nghiệp được tự nguyện phục vụ tại ngũ từng thời hạn là 6 năm cho đến hết hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm. Khi quân đội có nhu cầu, quân nhân chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi, sức khỏe tốt và tự nguyện thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ 1 đến 5 năm nhưng không quá 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.  


ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục