Đề nghị Bộ NN-PTNT điều chỉnh Thông tư 50

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp phản ánh bức xúc về hồ sơ thủ tục nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN) chậm chạp gây thiệt hại nặng về kinh tế, chiều 29-5, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi và Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với hàng trăm doanh nghiệp liên quan tới nhập khẩu và chế biến TACN.

(SGGP).- Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp phản ánh bức xúc về hồ sơ thủ tục nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN) chậm chạp gây thiệt hại nặng về kinh tế, chiều 29-5, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi và Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với hàng trăm doanh nghiệp liên quan tới nhập khẩu và chế biến TACN.

Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đề nghị Cục Chăn nuôi giảm bớt các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp để rút ngắn thời gian giao nhận hồ sơ kết quả kiểm định hàng hóa để sớm thông quan, giảm chi phí lưu kho bãi tốn kém. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, đại diện quyền lợi của các doanh nghiệp nhập khẩu, chế biến TACN, đề nghị lãnh đạo Bộ NN-PTNT xem xét điều chỉnh Thông tư 50 (mới áp dụng chưa đầy 2 tháng), trong đó có nội dung quy định doanh nghiệp nào có 3 lô hàng liên tục không vi phạm sẽ giảm kiểm tra và nếu có 5 lô liên tục thì được miễn kiểm tra 6 tháng, bởi quy định này dễ phát sinh tiêu cực hoặc tạo cơ chế “xin cho”.

Ông Lê Bá Lịch cũng thẳng thắn nêu câu hỏi với các doanh nghiệp: “Liệu nhà nước giảm phiền hà thủ tục thì các anh có giảm giá bán TACN hay không. Anh nào cũng kêu lỗ nhưng vẫn đi xe hơi 4 - 5 tỷ đồng nhờ kinh doanh TACN”. Chủ tịch Hiệp hội TACN cũng đề nghị Cục Chăn nuôi tăng cường kiểm tra chất cấm và tăng mức xử phạt.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chủ trì cuộc đối thoại cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2015 và cả năm 2014 các doanh nghiệp đã nhập về 16,6 triệu tấn TACN trong đó có 769.000 tấn phát hiện không đạt tiêu chuẩn. Sau 3 tháng thực hiện Thông tư 50 đã có 27 doanh nghiệp với 60 sản phẩm TACN được chuyển sang chế độ được giảm hoặc miễn kiểm tra thời hạn 6 tháng. “Sau 6 tháng, hàng của các doanh nghiệp này sẽ lại phải làm hồ sơ thủ tục kiểm tra như thông thường” - ông Nguyễn Xuân Dương giải thích.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục