QH thảo luận về dự án Luật thuế Bảo vệ môi trường

Đề nghị đưa thuốc lá vào đối tượng chịu thuế

Đề nghị đưa thuốc lá vào đối tượng chịu thuế

(SGGPO).- Các nhóm đối tượng phải chịu thuế là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến khi bàn về dự án Luật thuế Bảo vệ môi trường sáng nay, 5-6.

Các đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị bổ sung thêm nhiều sản phẩm vào đối tượng chịu thuế, đặc biệt là thuốc lá. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên – Huế) cũng đề nghị: “Ban soạn thảo cần nhìn xa hơn về các nhóm sản phẩm gây ô nhiễm; nếu thấy lo ngại về tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước thì trước mắt có thể cho thuế suất bằng 0, sau này sẽ tăng lên”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng. Ảnh: Minh Điền 

Một nhóm hàng có nguy cơ gây ô nhiễm cao, được nhiều đại biểu cảnh báo là các loại nước tẩy rửa, hóa mỹ phẩm. Theo bà Hồng, “biết đâu, nếu áp thuế đối với nhóm sản phẩm này, những chậu nước bồ kết sẽ trở lại trong nhiều gia đình, thắt chặt thêm những quan hệ tốt đẹp truyền thống”. Một số ý kiến khác chưa đồng tình với việc không đánh thuế các loại sản phẩm xuất khẩu, không tiêu dùng trong nước, vì nhiệm vụ bảo vệ môi trường phải mang tính toàn cầu.

Về phương pháp tính thuế, hiện vẫn còn hai loại quan điểm khác nhau. Đa số ý kiến phát biển tại hội trường đề nghị tính thuế trên phần trăm giá thành sản phẩm mà không theo cách tính thuế tuyệt đối như dự thảo Luật. Nhóm ý kiến này cho rằng, quy định thuế theo phương pháp tuyệt đối ngay vào Luật thì khi thị trường có biến động về giá, mức thuế sẽ nhanh chóng lạc hậu.

Tuy nhiên, đại biểu Cao Ngọc Xuyên (Bạc Liêu) nhận định: “Áp dụng thuế suất tuyệt đối với trường hợp này đảm bảo sự minh bạch, đơn giản, tạo số thu ổn định cho ngân sách. Với phương pháp này, đúng là khi giá cả của loại sản phẩm chịu thuế tăng cao thì chúng ta không thu được nhiều thuế thêm; nhưng thuế này đánh trên cơ sở chi phí xử lý ô nhiễm mà sản phẩm gây ra nên cơ bản không phụ thuộc nhiều vào giá thành sản phẩm”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chủ trì buổi thảo luận. Ảnh: Minh Điền

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chủ trì buổi thảo luận.
Ảnh: Minh Điền 

Các đại biểu Bùi Thị Hòa (Đắc Nông), Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) nhìn nhận, nguyên tắc “người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền, gây ô nhiễm nhiều trả tiền nhiều” chưa được thể hiện rõ trong dự luật. Bà Hòa dẫn chứng “Than chịu thuế ít hơn xăng dù than gây ô nhiễm nhiều hơn; tương tự dầu cũng gây ô nhiễm hơn xăng, nhưng cũng chịu thuế ít hơn”. Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương đồng tình: “Quy định như vậy chỉ mới có ý nghĩa hạn chế sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường mà chưa định hướng người tiêu dùng lựa chọn loại sản phẩm “xanh” hơn, ít gây ô nhiễm hơn”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục