Đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi

Đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi
  • Pháp điển hệ thống Quy phạm pháp luật

(SGGPO).- Hôm nay, 14-12, hai dự án luật và hai dự án pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong khuôn khổ phiên họp thứ 4.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống rửa tiền vẫn là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án Luật - đưa ra hai phương án xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển

Phương án thứ nhất là dự án Luật có quy định mang tính phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài trợ khủng bố, việc xử lý cụ thể sẽ theo quy định của Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống khủng bố. Đây là phương án được Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất. Trong khi đó, cơ quan soạn thảo lại đề nghị cho giữ phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật đã trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, nhưng chỉ giới hạn đối với việc phòng ngừa hoạt động tài trợ khủng bố thông qua các tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.

Về mô hình cơ quan phòng chống rửa tiền, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành việc đặt cơ quan này tại Ngân hàng Nhà nước.   
 
Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại phiên họp tán thành phương án thứ nhất về phạm vi điều chỉnh của Luật; song cho rằng, lý lẽ của việc đặt cơ quan phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước chưa được cơ quan thẩm tra giải thích một cách thuyết phục.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận xét: “Nếu chỉ liên quan đến tiền hay giấy tờ có giá trị thì dễ, nhưng còn những loại tài sản có giá trị thì sao? Đó là chưa kể tài trợ khủng bố cũng không đơn thuần là tiền, mà còn bao gồm tài sản, cả hợp pháp và bất hợp pháp; Ngân hàng Nhà nước có làm được không?”.
 
Tham dự phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ kiến nghị, tại Ngân hàng Nhà nước nên có Trung tâm thông tin về những tài sản, giao dịch qua ngân hàng có nghi vấn để kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng điều tra, xác minh; còn cơ quan chuyên trách về phòng chống rửa tiền nên đặt ở Bộ Công an.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng không nên quy định “cứng” một cơ quan “làm tất mọi việc về phòng chống rửa tiền” mà liên quan đến chức trách của cơ quan nào thì cơ quan đó làm, “việc gì liên quan đến ngân hàng trong phòng chống rửa tiền thì đưa vào luật này”. 

Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Trong báo cáo dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế kiên trì quan điểm chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân và chỉ bảo hiểm tiền gửi bằng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, về hạn mức trả tiền bảo hiểm, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định và điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm theo từng thời kỳ trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước. Song về lâu dài để đảm bảo tính minh bạch và tạo lòng tin cho người dân thì cần quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm cụ thể ngay trong Luật, phù hợp với chẩn chung của khu vực và thông lệ quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cơ bản đồng tình với ý kiến của Ủy ban Kinh tế, song còn băn khoăn về loại tiền gửi được bảo hiểm. Ngân hàng Nhà nước cho gửi tiền bằng ngoại tệ và vàng mà lại không bảo hiểm cho người gửi là không hợp lý. “Như thế không thể hút được ngoại tệ vào ngân hàng để quản lý tốt hơn, đồng thời tận dụng được nguồn lực xã hội”, ông Phùng Quốc Hiển nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng, đã có tới 49 ý kiến đại biểu Quốc hội nêu vấn đề này. Phí bảo hiểm và hạn mức trả tiền bảo hiểm cũng vậy, lẽ ra cần cụ thể hóa để người dân yên tâm, tin tưởng. “Ba điều cốt lõi mà người dân quan tâm nhất thì lại chưa tìm thấy câu trả lời, hoặc câu trả lời chưa như mong muốn”,  Chủ nhiệm Ủy banTài chính – Ngân sách nhìn nhận.

Đồng tình với ông Phùng Quốc Hiển về vấn đề đồng tiền được bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai bày tỏ thêm sự quan tâm đặc biệt đến mô hình hoạt động và chức năng giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Bà Trương Thị Mai cho rằng: “Quy định như dự thảo Luật thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi rất thụ động, không có ý nghĩa ngăn ngừa rủi ro”.

* Trong buổi sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Pháp lệnh Pháp điển hệ thống pháp luật.

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, hệ thống pháp luật nước ta còn rất phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc với nhiều chủ thể ban hành nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật. Hiện tại, nước ta có khoảng 20.000 văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực (mặc dù chưa có một địa chỉ hay tài liệu nào tập hợp được dầy đủ, có độ chính xác và tin cậy cao tất cả các quy phạm pháp luật còn hiệu lực áp dụng); nhiều vấn đề được quy định rải rác tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Để khắc phục tình trạng này, một trong những giải pháp cần thiết phải thực hiện là pháp điển hệ thống Quy phạm pháp luật. Kết quả của hoạt động pháp điển là Bộ Pháp điển, có tác dụng tăng cường tính công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật; giúp người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác dễ dàng tìm kiếm các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, qua đó góp phần giảm chi phí cho xã hội và sản xuất kinh doanh; giúp các cơ quan nhà nước dễ dàng tra cứu các Quy phạm pháp luật để áp dụng…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Ảnh: Minh Điền

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Ảnh: Minh Điền

Dự thảo Pháp lệnh Pháp điển hệ thống pháp luật bao gồm 6 chương. Ngoài những quy định chung, dự thảo Pháp lệnh còn quy định cụ thể về Bộ Pháp điển (cấu trúc, chủ đề, ghi chú, chỉ dẫn Quy phạm pháp luật, việc sử dụng Bộ Pháp điển…); thẩm quyền và trình tự, thủ tục pháp điển; cập nhật, duy trì Bộ Pháp điển; trách nhiệm của các cơ quan trong công tác pháp điển và điều khoản thi hành.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết, mặc dù các Bộ ngành có liên quan, các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống pháp luật, song vẫn còn những quan điểm khác nhau về một số vấn đề như hình thức pháp điển và giá trị pháp lý của Bộ Pháp điển; về việc Bộ Pháp điển có nên là văn bản duy nhất chứa toàn bộ các quy định pháp luật hay không; các chủ đề của Bộ Pháp điển…

Liên quan đến hình thức pháp điển, giá trị của Bộ Pháp điển, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án Pháp lệnh này - tán thành đề nghị của Chính phủ lựa chọn phương thức pháp điển về hình thức (rà soát, tập hợp, sắp xếp các Quy phạm pháp luật vào Bộ Pháp điển theo trật tự hợp lý để dễ tra cứu, chưa đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung toàn bộ Quy phạm pháp luật hiện hành trước khi đưa vào Bộ Pháp điển, mà cơ quan thực hiện pháp điển chỉ xử lý theo thẩm quyền các Quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo trước khi pháp điển). Bộ Pháp điển không có giá trị thay thế văn bản gốc, song song tồn tại với nó vẫn có hệ thống văn bản gốc có giá trị pháp lý. 

Thảo luận về dự án Pháp lệnh này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn về sự cần thiết phải thành lập một ủy ban cấp nhà nước, đồng thời đầu tư không ít công sức, kinh phí để thực hiện Bộ Pháp điển chỉ có giá trị hình thức, chỉ có thể sử dụng để tham khảo, tra cứu. Chủ tịch Quốc hội Nguyến Sinh Hùng nêu vấn đề: “Nếu không sử dụng được trên thực tế mà vẫn phải truy tìm văn bản gốc để thực hiện thì các thư viện hay nhà xuất bản có lẽ cũng làm được”.

Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước hỏi thêm: “Việc cập nhật Bộ Pháp điển thực hiện như thế nào để bảo đảm tính thời sự, khi mà Luật, Nghị định, Thông tư được ban hành liên tục. Mỗi năm ra một tập Pháp điển, kinh phí rất lớn, mà lại không có giá trị pháp lý thực tế thì có lãng phí không?".

Tham dự phiên họp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gợi ý, nếu Bộ Pháp điển chỉ có giá trị tra cứu thôi thì nên coi là đề tài cấp nhà nước, giao cho Thư viện hoặc trường luật thực hiện. “Nhưng trong dự án Pháp lệnh còn nêu mục đích gián tiếp là phát hiện ra những mâu thuẫn, chồng chéo trong văn bản quy phạm pháp luật là việc chuyên sâu về mặt nội dung. Thẩm quyền của cơ quan thực hiện pháp điển đến đâu trong việc kiến nghị sửa chữa những bất cập của hệ thống pháp luật?”, Phó Chủ tịch nước băn khoăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, trong thời đại điện toán hóa hiện nay, việc xây dựng một Bộ Pháp điển đồ sộ chỉ để tra cứu không có ý nghĩa thực tiễn lớn.

Giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, hầu hết các quốc gia đều phải xây dựng và sử dụng Bộ Pháp điển. “Việc làm này chắc chắn là tốn kém: phải hình thành tổ chức bộ máy; tập hợp, sắp xếp, cập nhật hàng chục ngàn văn bản; phát hiện mâu thuẫn phải đề nghị sửa… Nhưng bên cạnh những tác dụng của Bộ Pháp điển như đã nói, việc làm này còn làm tăng tính minh bạch của hệ thống pháp luật”.

 Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết là có ý kiến đề nghị Bộ Pháp điển khi được ban hành sẽ thay thế được văn bản gốc. “Đấy là điều lý tưởng và chúng ta phải tính đến khi sửa Hiến pháp, sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng chưa thể làm ngay vì sẽ trái với Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Và chúng ta lại mới bắt đầu làm, chưa có kinh nghiệm”…

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục