Đề nghị hỗ trợ hơn 500 giáo viên có thể mất việc

Ngày 10-3, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức cho biết đã ký công văn gửi Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, Công đoàn Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đề nghị giải quyết vụ việc chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt giáo viên tại huyện Krông Pắk.
Hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk bức xúc khi nghe tin sẽ bị cắt hợp đồng giảng dạy
Hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk bức xúc khi nghe tin sẽ bị cắt hợp đồng giảng dạy
Theo báo cáo của Công đoàn Giáo dục và Sở GD-ĐT Đắk Lắk, hơn 500 giáo viên đang công tác tại huyện Krông Pắk sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt. Vụ việc này xảy ra làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, việc làm và tâm huyết của hơn 500 thầy giáo, cô giáo cùng với gia đình của họ. Đồng thời gây tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ nhà giáo cả nước trong điều kiện toàn ngành giáo dục đang quyết liệt triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị các cơ quan liên quan sớm tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời có giải pháp sắp xếp, bố trí việc làm cho giáo viên theo hướng tiếp nhận tối đa các thầy giáo, cô giáo vào làm việc ở địa bàn trong tỉnh. Số người không bố trí được cần đảm bảo hỗ trợ đời sống, giải quyết chế độ chính sách, giúp các thầy cô giáo tìm việc làm mới phù hợp; hỗ trợ kinh phí để số giáo viên mất việc đi học nghề để ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình. Đồng thời duy trì công tác dạy và học trong các trường, không để ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Trước đó, UBND huyện Krông Pắk tổ chức buổi thông báo “tinh thần chỉ đạo” của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Lắk đối với số giáo viên mà địa phương này đã tuyển dư những năm qua. Theo đó, khoảng 500 giáo viên đã ký hợp đồng ngắn hạn sẽ bị “chấm dứt hợp đồng” thời gian tới.

Cùng ngày, UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết đã có cuộc họp thông báo giải quyết những tồn tại, hạn chế trong công tác sử dụng biên chế, tuyển dụng hợp đồng lao động trong ngành giáo dục dẫn đến dư thừa hơn 600 giáo viên. 

Nội dung cuộc họp thông báo, trong số hơn 600 giáo viên hợp đồng dư thừa mà huyện đã tuyển dụng từ năm 2011-2016, huyện sẽ chấm dứt hợp đồng lao động đối với 200 giáo viên đang hợp đồng giảng dạy các môn học không thuộc diện phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017.  Những giáo viên còn lại, vào cuối tháng 3-2018, huyện sẽ tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên năm 2017 với chỉ tiêu khoảng 83 người. Sau khi có kết quả kỳ thi, huyện sẽ tiếp tục chấm dứt hợp đồng đối với những giáo viên không trúng tuyển.

Sau cuộc họp nhiều giáo viên vô cùng bức xúc vì thông báo này đồng nghĩa với việc trong hơn 600 giáo viên hợp đồng do UBND huyện tuyển dụng dư, sẽ có hơn 500 giáo viên các trường THCS, tiểu học và mầm non bị chấm dứt hợp đồng lao động. Chị Nguyễn Thị B. (giáo viên hợp đồng bộ môn Anh văn, trường THCS Ea Kly) ngậm ngùi nói: “Tôi được UBND huyện ký quyết định “hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế” vào năm 2012. Lương được chi trả từ nguồn ngân sách Nhà nước giao trong chỉ tiêu biên chế của trường. Đến nay, đã hơn 5 năm tôi cống hiến cho ngành giáo dục luôn đạt được những thành tích tốt, không sai phạm vậy mà huyện đơn phương cắt hợp đồng của tôi là không hợp lý”. Nhiều giáo viên cùng có chung thắc mắc rằng: Nếu huyện thừa giáo viên tại sao phải đi ký hợp đồng với các giáo viên, vậy mục đích ký những hợp đồng kia để làm gì?

Để xảy ra sự việc trên, trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2011 - 2016) và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021).  Trong khoảng thời gian từ 2011-2016, mặc dù không có chỉ tiêu biên chế nhưng 2 vị chủ tịch huyện này đã vô tư ký hàng trăm quyết định hợp đồng lao động đối với các giáo viên các cấp THCS, tiểu học và mầm non. Khi các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc kiểm tra và kết luận sai phạm của UBND huyện Krông Pắk trong việc tuyển dụng dẫn đến dư thừa hơn 600 giáo viên, trong đó có 588 giáo viên và 80 nhân viên trường học. Do đó, ông Nguyễn Sỹ Kỷ đã bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk ra quyết định cảnh cáo về mặt Đảng, do không thực hiện theo tinh thần kết luận của Thanh tra tỉnh về tuyển dụng dôi dư giáo viên. Riêng ông Y Suôn Byă, Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã thành lập tổ kiểm tra để xác minh sai phạm liên quan đến vụ việc.

Tại Thông báo kết luận thanh tra số 65/TB-TTCP ngày 12-1-2018, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk do không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại huyện Krông Pắk. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk do ký hợp đồng dôi giáo viên; yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk khẩn trương khắc phục số lượng giáo viên thừa theo quy định.

Tin cùng chuyên mục