(SGGPO).- Đó là kiến nghị được nêu nhiều nhất tại buổi tọa đàm về Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009) do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức vào hôm nay 17-10.
Luật Quốc tịch Việt Nam quy định quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam được khẳng định rõ tại khoản 2 điều 13: "Người Việt Nam ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày luật này có hiệu lực, thì phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam". Quy định này phù hợp với nguyện vọng đông đảo bà con kiều bào, mặc dù sống xa Tổ quốc nhưng họ thật sự mong muốn vẫn là công dân Việt Nam một cách chính thức trên phương diện pháp lý.
Tuy nhiên, theo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, việc thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 vẫn còn một số hạn chế. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 vẫn còn chậm và thủ tục hành chính rườm rà, đòi hỏi nhiều loại giấy tờ liên quan về quốc tịch. Đồng thời trên thực tế, có nhiều kiều bào trở về quê hương sinh sống, làm việc tại thành phố, địa phương từ rất lâu nhưng chưa nhập quốc tịch Việt Nam vì họ không còn giấy tờ tư pháp chứng minh quốc tịch Việt Nam. Tình trạng này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền thành phố, địa phương.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến từ kiều bào và những người làm công tác liên lạc với kiều bào tại các quận, huyện đề nghị không nên giới hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chỉ kéo dài đến ngày 1-7-2014 như quy định tại Luật Quốc tịch Việt Nam 2008. Ngoài ra, ông Lê Đình Thảo (Ban liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài quận 11) cho biết nhiều kiều bào đã có visa (thị thực nhập cảnh) 5 năm vào Việt Nam mong muốn không nên quy định mỗi 3 tháng/lần phải đến Phòng quản lý xuất nhập cảnh - Công an tỉnh, thành phố gia hạn thời gian cư trú tại Việt Nam như hiện nay. Về vấn đề này, ông Trần Hòa Phương (Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM) cho biết tại buổi góp ý cho dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa qua, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã góp ý nên quy định thời gian đăng ký gia hạn visa là 6 tháng/lần. Một số ý kiến khác cũng phản ánh tình trạng "cò" dịch vụ hoạt động mạnh khu vực trước cửa một số cơ quan Nhà nước như Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TPHCM... dễ tạo sự hiểu lầm rằng cán bộ cố tình làm khó để kiều bào phải nhờ đến "cò".
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Đại tá Nguyễn Văn Anh (Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TPHCM) trả lời giải đáp một số trường hợp vướng mắc cụ thể. Đối với tình trạng "cò" dịch vụ, ông Anh thừa nhận có tình trạng "cò" chèo kéo chụp hình và "cò" mang tính chất lừa đảo (bán hồ sơ với giá cao trong khi hồ sơ được phát, hứa giúp giải quyết nhanh và dễ dàng nhưng không thể thực hiện vì đã có quy định chặt chẽ) nhưng đã giảm nhiều so với trước. "Tình trạng này tồn tại một phần do lỗi của chúng tôi, nhưng trách nhiệm chủ yếu thuộc về công an địa phương có trách nhiệm dọn dẹp lòng lề đường ở phía ngoài. Các "cò" này không liên quan đến cán bộ của đơn vị. Nếu gặp trường hợp như trên, người dân có thể" đến gặp trực tiếp cán bộ có thẩm quyền để được giúp đỡ hoặc liên hệ trực tiếp với tôi bất cứ lúc nào", ông Anh nói. Ông cũng đề nghị về xuất nhập cảnh, kiều bào có hai quốc tịch, hai hộ chiếu khi về Việt Nam, nếu sử dụng hộ chiếu Việt Nam thì thuận lợi nhất.
Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, ông Nguyễn Văn Vũ (Trưởng Phòng Hộ tịch, Quốc tịch - Sở Tư pháp TPHCM) cho biết các biểu mẫu được niêm yết công khai tại Sở Tư pháp để người dân thuận tiện khi làm hồ sơ. Ông cũng đề nghị nếu bị nhân viên Sở Tư pháp gây khó dễ, kiều bào phản ánh trực tiếp vào số điện thoại ghi trên biển thông báo tại sở. Trường hợp gặp vướng mắc về hộ tịch, quốc tịch, kiều bào có thể gọi đến số điện thoại 0905355148 của ông để được hướng dẫn.
Trước khi tọa đàm kết thúc, ông Trần Hòa Phương thông tin về văn bản số 1674/BXD-QLN ngày 12-8-2013 của Bộ Xây dựng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở, đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam - vấn đề đang được nhiều kiều bào quan tâm hiện nay. Theo đó:
- Khi thực hiện công chứng hoặc chứng thực các giao dịch về nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam thì không yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú và chứng minh thư nhân dân, mà chỉ cần có hộ chiếu Việt Nam hoặc hộ chiếu nước ngoài kèm theo Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy xác nhận gốc Việt Nam và các giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo đúng quy định tại Điều 66, 67 Nghị định 71/2010/NĐ-CP.
- Khi làm thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng và khi cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thì không bắt buộc người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đáp ứng điều kiện cư trú thực tế tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên, mà chỉ cần có các giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên là đủ điều kiện được mua và sở hữu nhà ở theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 19 của Thông tư số 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Đối với những ý kiến góp ý tại tọa đàm, ông Trần Hòa Phương cho biết sẽ tổng hợp và cùng cơ quan chức năng có kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, để Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp.
Hàng năm, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tiếp hơn 4.000 lượt kiều bào. Trung bình mỗi tháng, đơn vị đón tiếp hơn 330 lượt kiều bào và thân nhân trực tiếp đến liên hệ để được hướng dẫn về các chính sách và luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, lao động, lưu trú, nhà đất. Vấn đề kiều bào quan tâm nhiều nhất là về các quy định mới của Nhà nước liên quan đến Luật Quốc tịch, chủ yếu tập trung vào những quy định của pháp luật về xin nhập, thôi, trở lại Quốc tịch Việt Nam; đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam; đăng ký thường trú và xác nhận có quốc tịch Việt Nam, xác nhận có gốc Việt Nam..
ÁI CHÂN