Đề nghị loại dần phân bón vô cơ, thuốc hóa học

Ngày 27-7, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị về trách nhiệm trong sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại Việt Nam hiện nay. 

Theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón vô cơ, hữu cơ, đáp ứng được gần 80% nhu cầu tổng phân bón cả nước.

Trong lĩnh vực BVTV, hiện cả nước có trên 200 DN, gần 100 nhà máy chế biến, khoảng 30.000 đại lý kinh doanh thuốc BVTV. Tuy nhiên, thị trường phân bón và thuốc BVTV đang có sự mất cân đối nghiêm trọng.

Trong số 4.000 sản phẩm thuốc BVTV, chỉ có 19% thuốc sinh học, còn lại là thuốc hóa học. Tương tự, 90% lượng phân bón cung ứng cho thị trường là phân bón vô cơ - vốn dĩ để lại nhiều tác hại cho môi trường. Việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương. 

Đề nghị loại dần phân bón vô cơ, thuốc hóa học ảnh 1 Bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi ngoài ruộng đồng
Các chuyên gia đưa ra tính toán, trên thực tế, hiệu quả sử dụng phân bón chưa cao. Hiệu suất sử dụng chỉ đạt trung bình 45% - 50% với phân đạm, 25% - 35% với lân và khoảng 60% với kali. Như vậy, nếu tính chung hiệu suất sử dụng phân hóa học là 50% thì chúng ta đã lãng phí tương đương 2 tỷ USD/năm.

Đó là chưa kể lượng phân bón sử dụng quá nhu cầu của cây trồng còn làm tăng nguy cơ dịch bệnh và hậu quả là chúng ta phải sử dụng nhiều thuốc BVTV hơn, năm sau lại cao hơn năm trước. Ngoài ra, lãng phí phân bón còn làm giảm chất lượng nông sản, ô nhiễm nguồn nước và tăng lượng khí thải nhà kính. 

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón hiện nay là yêu cầu cấp thiết.

Vấn đề không chỉ là hiệu quả kinh tế, cho dù chi phí phân bón chiếm tới gần 50% tổng giá thành của sản phẩm trồng trọt, mà còn là chất lượng của nông sản phẩm và bảo vệ môi trường, vì hầu hết phân vô cơ (trừ đạm) đều được sản xuất từ các nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo.

Theo ông Ngọc, cần nghiên cứu và áp dụng các loại phân bón phù hợp, phân bón mới, phân bón chức năng (như áp dụng công nghệ nano, phân bón nhả chậm…); khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn phân bón hữu cơ.

Với thuốc BVTV, cần nghiên cứu và áp dụng các loại đặc trị cho từng loại đối tượng gây hại. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học và thảo mộc để hạn chế tác hại của thuốc đến môi trường, cây trồng, sinh vật và con người. 

Tin cùng chuyên mục