Để người dân hài lòng

Lần đầu tiên, một chương trình phối hợp thực hiện xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015, đã được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Nội vụ và Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp tổ chức.

Mục đích của cuộc “đo lường” này là đánh giá khách quan, trung thực chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công; nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để đề xuất biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ của mình nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức. Để tìm ra chỉ số hài lòng, 3 bên sẽ phối hợp triển khai điều tra xã hội học trên 6 lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Trong đó có 3 lĩnh vực thực hiện ở cấp huyện là: Cấp giấy chứng minh nhân dân, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng nhà ở; 3 lĩnh vực thực hiện ở cấp xã là: Cấp giấy đăng ký kết hôn, cấp giấy khai sinh và chứng thực.

Việc điều tra xã hội học để xác định chỉ số hài lòng của người dân được triển khai với 15.120 phiếu điều tra tại 10 tỉnh, thành ngẫu nhiên được chọn đại diện cho các vùng miền cả nước. Đối tượng điều tra là chọn ngẫu nhiên người dân đã sử dụng dịch vụ trong năm 2014 (trên cơ sở danh sách người dân sử dụng dịch vụ được lưu tại cơ quan giải quyết TTHC).

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, sau 5 năm thực hiện và với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước đã đạt kết quả tích cực ở cả 6 lĩnh vực: cải cách về thể chế, TTHC, bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ công chức viên chức, cải cách tài chính công, xây dựng Chính phủ điện tử. Đến nay, bước đầu đã hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ cũng đã ban hành 25 nghị quyết về cải cách TTHC với 85% TTHC được đơn giản hóa theo mục tiêu của các nghị quyết này; Chính phủ điện tử đang được quyết liệt xây dựng. Cũng chưa bao giờ như thời gian qua, hàng loạt chỉ đạo từ Chính phủ về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh lại được đưa ra quyết liệt như vậy. Những thông điệp “cắt bỏ ngay những TTHC không còn phù hợp”, “kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu”... đã trở nên quen thuộc trong thời gian gần đây. Tất cả đều nhằm mục tiêu bảo đảm điều kiện giao dịch thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân, cải thiện môi trường đầu tư, từ đó nâng sức cạnh tranh quốc gia. Mới nhất, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội. Việc cơ cấu lại cũng nhằm đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.

Chính phủ cũng đã xác định, cải cách hành chính giai đoạn 2015-2020 phải đo lường được chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Bởi cải cách TTHC là quan trọng, nhưng mấu chốt lại nằm ở chính vấn đề con người. Dù TTHC đã được đơn giản hóa “ngon lành” đến đâu, nhưng nếu những con người thực thi vẫn không thay đổi thì chắc chắn vẫn chưa có được sự hài lòng của người dân. Bởi vậy, dư luận đang hết sức trông chờ vào cuộc điều tra xã hội học để xác định chỉ số hài lòng của người dân lần này, nó sẽ như một “phép thử” quý giá để tiếp tục công cuộc cải cách hành chính thời gian tới. Vì thế, đòi hỏi cuộc điều tra xã hội học này phải được thực hiện trung thực, chính xác, để khi công bố phải nhận được sự công nhận, đồng tình của người dân như Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu. Để kết quả điều tra xã hội học này được công nhận, rất cần sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận và sự tham gia với tinh thần “thép” của các cựu chiến binh.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục