Để người già không bị bỏ lại phía sau

Đánh giá nhanh chất lượng sống của một quốc gia nói chung và các đô thị nói riêng, người ta thường tập trung vào một số nhóm người được coi là dễ bị tổn thương, đó là: người già, người tật nguyền, trẻ em mồ côi, phụ nữ đơn thân đông con.
Thăm hỏi người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè Ảnh: VIỆT DŨNG
Thăm hỏi người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè Ảnh: VIỆT DŨNG
 Đặc biệt, ở các nước châu Á thì việc chăm sóc người cao tuổi, nhất là những người không có ai nương tựa, được coi là một trong những thước đo sự thành công của một chế độ xã hội, nếu đời sống vật chất và tinh thần của những nhóm người này được đảm bảo.
Cuộc sống đơn điệu và cô đơn 
Về mặt vật chất, nhìn chung người cao tuổi ở TPHCM vẫn còn những mặt bất cập. Những người già có lương hưu tạm đủ sống, nhưng cũng có phần khó khăn bởi số lương hưu nhận được hàng tháng trung bình chỉ khoảng 2,5 - 3 triệu đồng (tương đương 100 - 130USD), số tiền này đưa họ vào nhóm cận nghèo theo tiêu chuẩn của WB (mức chi tiêu dưới 2 USD là thuộc nhóm nghèo). Một bộ phận rất lớn người lao động phổ thông, tự do, khi quá 60 tuổi không có lương hưu và con cái nuôi nấng, vẫn phải tự bươn chải với các công việc có thu nhập không thường xuyên. Ngoài ra, người già mang nhiều loại bệnh tật, nhiều nhất là bệnh huyết áp, đái tháo đường và khớp. Nếu về lương thực, thực phẩm thì người cao tuổi không có vấn đề trầm trọng, nhưng về mặt tinh thần thì có nhiều điều rất quan ngại.
So với nhiều TP khác trên thế giới thì người cao tuổi ở Việt Nam nói chung và các thành phố nói riêng, trong đó có TPHCM, có một cuộc sống khá đơn điệu và cô đơn. Người già chủ yếu là loanh quanh trong nhà như xem ti vi, đọc báo và ngủ bởi rất ngại ra đường, vì giao thông đô thị quá hỗn loạn; hơn nữa, dù ra khỏi nhà thì đi đâu để có môi trường giao tiếp? Môi trường giao tiếp công cộng như công viên, vườn dạo, không gian xanh thư giãn quá thiếu, các cơ sở dịch vụ dành cho người già rất ít. Với người già thì việc gặp gỡ nhau, tâm sự chuyện xưa, chia sẻ nỗi niềm là điều vô cùng hệ trọng, chính vì môi trường sống xã hội thân thiện chan hòa mà các cụ ở nông thôn cho dù ăn uống không tốt bằng TP nhưng sống lâu hơn và vui vẻ hơn.
Một điều nữa không thể không nhắc đến là sự khác biệt ngày càng lớn về giá trị sống, giá trị văn hóa và quan niệm đạo đức của người già và người trẻ. Người già Việt Nam hiện nay đều sinh ra và lớn lên trong chiến tranh và sau đó là thời kỳ bao cấp, bị cấm vận, chịu gian khổ kéo dài. Còn người trẻ hiện nay, sinh ra trong thời bình, xã hội mở cửa cho nên nhận thức, niềm tin và các giá trị sống (văn hóa, xã hội, đạo đức) giữa các thế hệ khác nhau, thậm chí là xung đột không thể hòa giải được. Người cao tuổi và người trẻ khó tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Chính điều này đưa đến những hệ quả xã hội rất nặng nề. Những biểu hiện thường thấy nhất là con cái khi có gia đình riêng có thể chu cấp cho cha mẹ, nhưng không muốn sống chung vì muốn tự do cá nhân, hơn 90% phụ nữ khi lấy chồng không muốn làm dâu, ngược lại bản thân người già cũng thích sống tự do, không muốn làm phiền con cháu. Do vậy gia đình, cộng đồng không còn là chỗ dựa vững chắc nhất cho người già như xưa nữa.
Tạo môi trường sống cho người cao tuổi
Trong tình hình hiện nay, để cho chất lượng sống của người cao tuổi được nâng cao thì nên tăng cường công tác nghiên cứu và xây dựng chính sách đón đầu. Nếu ngay từ hôm nay chúng ta không quan tâm đến điều này thì 15 - 20 năm sau sẽ gặp nhiều khó khăn trong khi xây dựng chính sách và sửa chữa sai lầm cho ngày hôm nay, chẳng hạn như sẽ không còn đất để quy hoạch công viên cho người cao tuổi, đất dành xây dựng bệnh viện và nhà dưỡng lão, khu dân cư, nhà ở, nhà hàng, siêu thị sẽ không có góc cho người già (như ở Trung Quốc đã tiến hành từ nhiều chục năm qua).
Nhiều quốc gia trên thế giới đưa ra các chính sách hỗ trợ người già, chẳng hạn ở Singapore nếu người nào nhận nuôi cha mẹ khi về già sẽ được hưởng ưu đãi như được ưu tiên mua nhà trước, giảm giá (nếu chưa có nhà), được xét giảm thuế cá nhân và thuế kinh doanh. Ở Trung Quốc, con cái sẽ bị phạt nặng nếu hắt hủi và từ chối chăm sóc cha mẹ già. Hàn Quốc hoặc các nước châu Âu, Bắc Mỹ thì sử dụng các chính sách xã hội như trợ cấp, chữa bệnh không mất tiền, lập ra các viện dưỡng lão tập trung do nhà nước bảo trợ hoàn toàn, đặc biệt ở Nhật Bản có một hệ thống dịch vụ xã hội phục vụ người già rất hoàn thiện. Người Nhật quan tâm đến các vấn đề của người già như đi lại (người già được đi xe biển số vàng chạy với tốc độ chậm, thiết kế thang máy chạy tốc độ chậm, độ cao bậc thang bộ thấp hơn), mua sắm (có cửa hàng riêng cho người già với xe đẩy có chỗ ngồi, kệ hàng thấp đủ tầm với, giá niêm yiết viết chữ to), ăn uống (có các nhà máy chế biến thức ăn riêng cho người già), có các dịch vụ phục vụ tận nhà cho người già (trả phí dịch vụ, mua sắm…).
Cùng với đó, nên kéo dài tuổi về hưu hoặc thu nhận người già vào làm việc sau khi về hưu nếu họ còn sức khỏe và năng lực, như ở nhiều nước, để mang lại lợi ích cho xã hội và cả cá nhân. Nhà nước cũng cần có các chính sách cụ thể khuyến khích và hỗ trợ cho các gia đình phụng dưỡng cha mẹ già liên quan đến nhà ở, chữa bệnh, nghỉ dưỡng. Tạo điều kiện làm cho người già có đời sống tinh thần phong phú hơn thông qua các hình thức khác nhau như lễ hội, hoạt động xã hội, sinh hoạt hội đoàn. TP cũng nên phát triển các tổ chức như câu lạc bộ “Ông bà cháu”, “câu lạc bộ dưỡng sinh”, mô hình câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” và tổ Tình nguyện viên “Chăm sóc người cao tuổi” của phường Hòa Thạnh (quận Tân Phú) cần được nhân rộng.
Một vấn đề đặt ra nữa là nên phát triển nhà dưỡng lão tập trung. Ở TPHCM, việc người già ở tập trung không phải là phổ biến mà mới bắt đầu xuất hiện trong khoảng 10 năm gần đây dưới các dạng như: Trung tâm Chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, Trung tâm Nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa (53 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh), Viện Dưỡng lão nghệ sĩ (314/65 đường Âu Dương Lân, phường 3, quận 8), các điểm nuôi dưỡng người già của tư nhân (các chùa, nhà thờ và cơ sở tư gia). Tới đây, TPHCM cần nghiên cứu mô hình trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người cao tuổi theo dịch vụ cho các gia đình và bản thân có mức sống cao, khá giả như Trung tâm Thiên Đức (ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội).
TPHCM hãy bắt đầu chuẩn bị cho quá trình già hóa dân số để đảm bảo cho người già không bị bỏ lại phía sau, đứng bền lề phát triển.

Tin cùng chuyên mục