Đệ nhất nề ngư

Đến đầu xã biển Đức Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), hỏi ông Phạm Minh Hồng ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn, bởi đường vào nhà ông là mê cung giữa làng biển chật như nêm ở thôn Thượng Đức. Cả xã Đức Trạch ai cũng biết ông Hồng đóng tàu biển. Từ đóng tàu nhỏ, ông đóng tàu vừa, rồi đóng tàu lớn đến 700CV đi Hoàng Sa đánh cá. Tên ông không chỉ xứ Thượng Đức trọng vọng, mà cả vùng biển từ Đèo Ngang đến sông Gianh đều mời, bởi nết thợ tài danh hạng “đệ nhất” đóng tàu gỗ đánh cá.
Đệ nhất nề ngư

Đến đầu xã biển Đức Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), hỏi ông Phạm Minh Hồng ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn, bởi đường vào nhà ông là mê cung giữa làng biển chật như nêm ở thôn Thượng Đức. Cả xã Đức Trạch ai cũng biết ông Hồng đóng tàu biển. Từ đóng tàu nhỏ, ông đóng tàu vừa, rồi đóng tàu lớn đến 700CV đi Hoàng Sa đánh cá. Tên ông không chỉ xứ Thượng Đức trọng vọng, mà cả vùng biển từ Đèo Ngang đến sông Gianh đều mời, bởi nết thợ tài danh hạng “đệ nhất” đóng tàu gỗ đánh cá.

Ông Phạm Minh Hồng, truyền nhân của một dòng họ có đến 14 đời đóng tàu biển.

Ông Phạm Minh Hồng, truyền nhân của một dòng họ có đến 14 đời đóng tàu biển.

Dòng họ đóng tàu

Ông Phạm Minh Hồng đã 54 tuổi, muốn gặp ông phải tìm khắp biển làng. Lúc ông ở bãi Thượng, lúc về bãi Trung, có khi nằm bãi Nam của Đức Trạch để ra gỗ, ráp gỗ vào mạn thuyền. Công đoạn chỉ mình ông có thể đảm đương vì rất quan trọng cho việc đóng tàu đánh cá khơi xa. Về mãi bãi Trung mới gặp được ông, con người nhỏ thó nhưng đã có mấy chục năm hành nghề đóng tàu.

Ông là truyền nhân của một dòng họ có đến 14 đời đều đóng tàu biển. Họ Phạm làng ông có gốc từ Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An di cư từ đường biển vào Đức Trạch lập nghiệp hơn 300 năm trước. Những trai tráng trong dòng họ Phạm từ đó theo nghề cha truyền con nối. Đội nề ở đây còn đóng cả những chiến thuyền hùng mạnh theo lệnh của triều đình nhà Nguyễn vì quốc gia đại sự.

Thời bao cấp, hợp tác xã đóng thuyền làng ông lúc đó cũng khó khăn, dần dần tan rã. Ông nghĩ, phải làm gì với tiền nhân dòng họ. Một nghề lừng lẫy mấy trăm năm không thể đành lòng mất bóng. Mình ông xông xáo, tập hợp được đội dân làng chừng 20 người theo ông học thợ. Các ngón nghề học được từ bao thợ cả trước đây được ông truyền lại cho nhóm thợ làng để gầy dựng. Ông nội của ông rồi cha của ông trước khi mất cũng truyền lại cho ông các độc chiêu nghề đóng ghe bầu chạy bằng buồm từ 50 - 100 tấn. Ông nắm hết để không phí phạm gia tài, “bí quyết” của dòng họ khai canh trên cát làng Đức Trạch.

Bàn tay làm hơn 300 tàu biển

Các bí kíp cổ xưa của ghe bầu, theo ông vào thời hiện đại không ai có thể làm được. Bởi ghe bầu xa xưa đóng không dùng bất cứ đinh tán sắt nào, mọi khớp nối của gỗ ván dính nhau bằng “mộng” gỗ, còn nơi cần thiết dùng đinh tán bằng đồng. Nhưng điều quan trọng, bây giờ làm ra không còn hợp với ý tưởng của ngư dân là dùng máy nổ thay vì sức gió đẩy buồm. Hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ Phạm đóng tàu trứ danh đã sáng dạ thêm nhiều ý tưởng, góp vào gia tài làng xóm những chiếc thuyền chạy bằng máy nổ.

Cụ Phạm Văn Tụi, một lão nề ở ẩn vì sức già, nói: “Thằng Hồng sáng trí lắm. Hắn đưa mẫu máy nổ theo ý tưởng ngư dân vào thuyền. Lúc đầu chẳng ai tin máy nổ nhỏ tí chạy hơn cái buồm to như sân làng. Nhưng hắn thành công. Lúc đầu hắn đóng tàu 20CV, rồi lên 90CV, chừ thì tàu cả mấy trăm CV hắn cũng làm được. Họ Phạm làng ni đẻ ra hắn có phúc, nghề không tuyệt tự. Hắn còn đưa về làng cách đặt máy chính, máy phụ cho tàu cá đi Hoàng Sa. Máy chính để làm nghề, máy phụ để lỡ máy chính trục trặc thì chống chọi chờ lai dắt, cấp cứu. Tài”.

Người làng nhẩm tính, ít ra đến nay ông Hồng đã đóng hơn 300 chiếc tàu cá cho dân đi biển vùng khơi, vùng xa. Hỏi, có đúng hơn 300 tàu thuyền qua tay? Ông Hồng cười cười, lật giở từng cuốn sổ úa vàng. Tính ra cũng đã gần 400 chiếc, tính cả những loại hồi hợp tác xã chưa tan rã, dân nghèo thuyền còn đóng nhỏ nhỏ. Còn 300 là những chiếc lớn ra tận cả Hoàng Sa (Việt Nam) để đưa những mẻ cá rất lớn về phía bờ. Đức Trạch nay có 100 chiếc tàu cá ra Hoàng Sa tề hội, ông đều có công đóng góp vào đó cả.

Ngày trước, ông đóng tàu không có bản vẽ. Làm theo bản năng của dòng họ truyền đạt cùng với tài hoa của khối óc và bàn tay của người thợ cả để chỉ bày cho cánh thợ phụ theo ông. Nhớ lại thời đó, ông kể: “Thời đi biển lúc đổi mới, đóng tàu chẳng có bản vẽ. Chỉ qua ý tưởng ngư dân họ nói, vạch mấy vạch trên cát hình con thuyền, đó là bản vẽ duy nhất. Và cứ thế đóng. Đóng xong bà con gật đầu là nhẹ cả lòng”.

Và thời đó, tàu nào do ông Hồng đóng ra, ngư dân đều mừng rỡ bởi cái duyên của ông đưa lại, cách ông xẻ gỗ, đẽo gỗ, ráp gỗ thành thuyền lướt trên biển không quá nặng, không quá nhẹ, lại có duyên bắt được cá mà ngư dân tôn kính ông là đệ nhất nề ngư. Không chỉ làng ông, danh tiếng đóng tàu của ông còn lan ra cả những làng biển lừng danh khác.

Người Cảnh Dương (Quảng Trạch), người Bảo Ninh (Đồng Hới), rồi chính nơi phát tích Nghi Lộc ở Nghệ An cũng mời ông về đóng tàu đi biển xa. Bởi đường chỉ vạch gỗ, cách uốn gỗ hay các công đoạn khó bậc nhất, với người khác làm đi làm lại nhiều lần tốn gỗ thì với ông, chỉ một lần thực hiện đã thành công, đưa lại sự khâm phục không chỉ từ ngư dân mà còn từ giới thợ đóng thuyền ở cả vùng.

Ôm một nỗi lo

Cựu binh Trường Sa Phạm Minh Hồng có một kỳ tích đóng tàu đáng nể. Nghiệp này, với ông là đam mê, còn mấy lần tận khổ, suýt phá sản nhưng ông đều bám trụ kiên gan trên cát để giữ lấy nghề của cha ông truyền cho. Năm 1989 khi ra quân, ông về với hai bàn tay trắng. Tự gầy dựng đội thợ, vay mượn khắp nơi. Việc đang tấn tới thì ngư dân 2 năm thất bát, nghề đóng tàu cũng thất bát.

Ông cùng bè bạn vào tận Bình Thuận làm thuê. Làm ít thời gian, lòng dạ đau đáu nhớ nghề, ông về lại làng, tiếp tục dựng lều đóng tàu. Khi ngư dân trở lại con nước, cá mú đưa về nhiều thì ông đổ bệnh. Bác sĩ nói bị u tụy, phải phẫu thuật hai lần đến khánh kiệt. Đồng bạc cuối cùng lúc đó được vợ ông mua hộp sữa Ông Thọ bồi dưỡng. Trận đau của 20 năm trước tưởng qua đời, nhưng sau cơn hôn mê, ông vượt cửa tử. Khỏi bệnh, ông lại vay mượn khắp nơi để giữ nghề dòng họ cho đến nay.

Nghề của ông vô cùng vất vả, mỗi con tàu giá trị 2,5 tỷ đồng, công cán của đội chừng 6 người đóng trong 50 ngày chỉ 100 triệu đồng. Tàu 5 tỷ đồng thì lên 200 triệu đồng tiền công. Mỗi ngày công nhật ông chia mỗi người 350.000 đồng, tiền ăn uống, còn lại chẳng được bao nhiêu. Ông đóng tàu trứ danh, nhưng vách nhà vẫn nhỏ bé ở góc làng. 5 đứa con, 3 trai theo nghiệp khác ở miền Nam, 2 nữ thì không thể theo nghề.

Ông kể: “Nghề này cực lắm, có khi thu không đủ bù chi. Ở nơi khác, tàu họ đóng là tự mua gỗ nên lời cả giá gỗ. Tôi khác, dặn ngư dân đi mua gỗ như thế này, thế kia để tiết kiệm, còn mình ra gỗ cũng tiết kiệm để có lợi cho bà con”. Tận tâm với nghề là thế, nhưng nay, con cháu của ông không ai theo nghề.

Với dòng họ của ông, đến đời ông như có lẽ đặt dấu chấm hết một nghề vàng son đóng tàu đi biển xa. 
Ông mong da diết, có một truyền nhân nào đó, dù là người ngoài, ông vẫn sẵn sàng đào tạo, dạy hết các kỹ năng đóng tàu của dòng họ; cấp lương, cấp bạc để theo nghề, giữ nghề. Nhưng nay tìm kiếm người quá khó, bởi thanh niên bây giờ muốn có việc làm nhiều tiền hơn nghề của ông. Thành ra ông đành ôm một mối lo.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục