Để “những Alibaba” không thể tồn tại

Thật sự không khỏi ngạc nhiên khi đọc kết luận của cơ quan điều tra về vụ án Công ty Alibaba bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngạc nhiên bởi sự liều lĩnh, tham lam, tưởng rằng có thể “một tay che trời” của Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba cùng đồng bọn. 

Ngạc nhiên bởi những dự án đất nông nghiệp mà Alibaba vẽ ra có diện tích từ hàng chục đến hàng trăm héc-ta “to như con voi” nhưng vẫn “qua mặt” được chính quyền địa phương? Ngạc nhiên bởi thủ đoạn lừa đảo của Công ty Alibaba thực ra rất dễ nhận biết nếu như nạn nhân tỉnh táo, ấy vậy mà vẫn có hơn 4.000 người bị lừa.

Thủ đoạn lừa đảo của Công ty Alibaba, theo cơ quan điều tra là “vẽ dự án ma trên đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định, dùng truyền thông để quảng cáo bán dự án”. Thế nhưng, để xác định dự án có thực hay không rất dễ, cứ đến Phòng Tài nguyên - Môi trường hoặc Phòng Quản lý xây dựng địa phương hỏi là biết ngay.

Theo quy định hiện hành, tất cả các địa phương đều phải công khai tại trụ sở các nội dung liên quan đến đất đai, xây dựng, quy hoạch, các dự án được triển khai trên địa bàn. Tại sao nhiều nạn nhân lại không làm như vậy? Phải chăng vì bánh vẽ của Công ty Alibaba quá “thơm”?

Cũng theo cơ quan điều tra, để thu hút khách hàng, Công ty Alibaba cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng nếu khách hàng muốn bán lại đất nền đã mua.

Rõ ràng, một điều kiện quá hời mà khó có khách hàng nào bỏ qua được. Sự nhẹ dạ, cả tin, không loại trừ có cả lòng tham của khách hàng đã “giúp” Công ty Alibaba “vẽ” ra tới 58 dự án không có thật, chiếm đoạt số tiền hơn 2.100 tỷ đồng. 

Thế nhưng, Công ty Alibaba sẽ không thể vẽ ra tới 58 dự án nếu không có sự làm ngơ, thiếu trách nhiệm giám sát địa bàn cũng như không loại trừ có sự tiếp tay của một số cán bộ trong các cơ quan chức năng liên quan ở địa phương. Bởi lẽ, không chỉ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông mà Công ty Alibaba còn tổ chức cho khách hàng đi tham quan thực tế tại nhiều khu đất được giới thiệu là dự án. Sự rầm rộ này, lẽ nào không “đánh động” được các cán bộ có thẩm quyền? Rõ ràng, sự buông bỏng quản lý ở nhiều nơi đã góp phần để “những Alibaba” ngang nhiên hoành hành.

Cuối cùng, sự liều lĩnh, tham lam của Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn cần được xử lý nghiêm. Bởi không chỉ chủ mưu lừa đảo khách hàng tại TPHCM mà khi đã bị cơ quan chức năng điều tra, Nguyễn Thái Luyện cùng đồng bọn đã chuyển đổi địa bàn, đến những địa phương khác như Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... để tiếp tục lừa đảo. 

Vụ án Nguyễn Thái Luyện đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi quy mô cũng như mức độ gây thiệt hại của nó. Chắc chắn sẽ có bản án thích đáng với những kẻ như Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn. Thế nhưng, để không còn “những Alibaba” thì người dân cũng nên cảnh giác, cân nhắc, tìm hiểu kỹ thông tin các dự án trước khi quyết định mua.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng nên tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn, loại ra khỏi cơ quan những cán bộ thiếu trách nhiệm và xử lý nghiêm những ai tiếp tay cho những kẻ như Nguyễn Thái Luyện.

Tin cùng chuyên mục