Theo các bác sĩ nhi khoa, tỷ lệ trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp thường tăng cao trong những tháng cuối năm và nhất vào thời điểm tết. Tiêu chảy là đi tiêu có nhiều dịch và nước hơn 2 lần/ngày.
Tiêu chảy cũng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ 2 của trẻ em trên thế giới. Có các nguyên nhân gây tiêu chảy là do siêu vi (thường do Rotavirus), vi trùng (Shigella, E.Coli, Salmonella), độc tố (ngộ độc thực phẩm, hóa chất) và ký sinh trùng (lỵ Amib). Trong đó, tiêu chảy do thực phẩm trong những ngày tết chiếm đa số. Đường lây chủ yếu của tiêu chảy là qua đường phân - miệng. Biến chứng thường gặp ở tiêu chảy trẻ em là mất nước, rối loạn điện giải, toan máu, suy thận cấp… Thời gian nằm viện thường trung bình 3 - 4 ngày, nhưng 23% trường hợp phải nằm viện kéo dài trên 7 ngày. Nguyên tắc phòng ngừa là cho trẻ bú mẹ đủ ít nhất 6 tháng đầu đời, ăn chín uống sôi, sử dụng nước sạch, rửa tay cẩn thận trước khi ăn, xử lý phân hợp vệ sinh, chủng ngừa sởi và vaccine Rotavirus. Điều trị bệnh tiêu chảy chủ yếu ở nhà theo 3 nguyên tắc: cho trẻ uống nhiều nước để ngừa mất nước; cho trẻ ăn, bú nhiều bữa hơn để có sức mau lành bệnh; cho trẻ tái khám đúng lúc để được theo dõi và xử lý kịp thời.
Dịp tết, trong mỗi gia đình có thể dự trữ dung dịch Oresol để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp. Oresol là dung dịch điện giải, không có tác dụng cầm tiêu chảy nhưng rất hiệu quả bù lại số lượng nước và các chất điện giải (muối) bị mất qua phân. Dung dịch này thường được thầy thuốc cho dùng để chữa mất nước do tiêu chảy. Cách uống tùy theo lứa tuổi: Dưới 2 tuổi: 50 đến 100ml sau mỗi lần tiêu phân lỏng; 2 - 10 tuổi pha 100 đến 200ml; trẻ trên 10 tuổi được uống tùy thích đến khi hết khát.
GIA PHÚ