Để phòng và chống tham nhũng hiệu quả

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Quốc hội khóa XIII liên tiếp đưa ra định hướng: Phải tích cực phòng và chống tham nhũng để bộ máy chính quyền từ thấp đến cao ngày càng trong sạch, để tiền thuế đóng góp của dân được sử dụng có hiệu quả cho phát triển đất nước và đời sống nhân dân, để Đảng ngày càng trong sạch, chế độ ngày càng vững bền. Đảng viên, cán bộ, công nhân và nhân dân nhiệt liệt đồng tình, ủng hộ và mong ước tổ chức thật tốt công việc phòng và chống tham nhũng. Nhưng làm thế nào để việc phòng và chống tham nhũng có hiệu quả?

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Quốc hội khóa XIII liên tiếp đưa ra định hướng: Phải tích cực phòng và chống tham nhũng để bộ máy chính quyền từ thấp đến cao ngày càng trong sạch, để tiền thuế đóng góp của dân được sử dụng có hiệu quả cho phát triển đất nước và đời sống nhân dân, để Đảng ngày càng trong sạch, chế độ ngày càng vững bền. Đảng viên, cán bộ, công nhân và nhân dân nhiệt liệt đồng tình, ủng hộ và mong ước tổ chức thật tốt công việc phòng và chống tham nhũng. Nhưng làm thế nào để việc phòng và chống tham nhũng có hiệu quả?

Làm sao để phòng?

Phòng có nghĩa là làm sao để những người có thể tham nhũng không thể, không dám tham nhũng; làm sao để ngăn chặn họ “mở tủ tiền” để tham ô và ngăn chặn nạn đưa và nhận hối lộ. Phòng phải từ hai phía.
 
“Chủ nhà” tránh mất trộm phải tủ đóng then cài cho tốt, phải luôn luôn kiểm tra, đề phòng kẻ trộm. Ngân sách Nhà nước - tiền đóng thuế của dân - khóa không chặt hoặc giao chìa khóa cho kẻ chuyên ăn cắp thì mất tiền là phải! Không những thế, việc để cho các tổng công ty nhà nước tùy tiện sử dụng hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng vô tội vạ, gây lãng phí cũng là cách “mở két cho ăn trộm”. Việc nhận hối lộ có thể ngăn được nếu tất cả các việc đều công khai, minh bạch.

Do vậy, từ việc bổ nhiệm, đề bạt, thuyên chuyển, kỷ luật cán bộ đều phải công khai; các quyết định về cấp vốn, cấp tiền, cấp đất cho doanh nghiệp, cho địa phương đều phải bàn bạc và chịu trách nhiệm; những việc có liên quan đến dân đều phải sòng phẳng, rõ ràng lắng nghe ý dân trước khi quyết định.

Muốn phòng tội phạm thì Quốc hội phải giám sát Chính phủ, HĐND phải giám sát chính quyền, phải lập các tổ chức kiểm tra của nhân dân để theo dõi và giám sát, Mặt trận Tổ quốc các cấp - đại diện cho các tầng lớp nhân dân - phải thường xuyên tổ chức gặp dân, nghe dân để cảnh giác, ngăn chặn tệ hà hiếp, vòi vĩnh, lừa dối dân.

Chống tham nhũng phải kiên quyết

Trước hết muốn chống tham nhũng thì phải có “Bao Công thiết diện vô tư”, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân, từ bỏ chức quyền, sinh mạng cá nhân để chống tham nhũng. Nếu cử người chống tham nhũng từ trong hàng ngũ có thể hoặc nghi ngờ có tham nhũng, dù “chưa bắt được tận tay” nhưng dư luận xã hội đã nghi ngờ thì không nên.

Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc phải phối hợp thành một “Bao Công”, đứng ngoài nhìn vào đội ngũ có chức có quyền mới có thể phát hiện, cảnh báo và đưa ra ánh sáng nạn tham nhũng. Lâu nay, ta không tìm ra được những “kẻ cộm cán” trong hàng ngũ tham nhũng nên bây giờ mới sinh ra suy thoái trong Đảng, mất lòng dân, nguy cơ cho đất nước. Kẻ tham nhũng không bao giờ “xung phong” nhận tội trước Đảng và dân. “Đồng bọn” thì không bao giờ tố cáo nhau. Vậy làm sao phát hiện kẻ tham nhũng mà chống?
 
Nếu không phát động rộng rãi tinh thần tự phê bình, động viên những kẻ tham nhũng đầu thú và kiên quyết đưa ra ánh sáng kẻ tham nhũng… thì chỉ hô hào suông, không có tác dụng gì. Phải phát động trong Đảng, trong dân tố cáo những cán bộ đảng viên tham nhũng từ cấp thấp đến cấp cao. Phải chọn những người sống trong sạch, thanh liêm, không trong hàng ngũ có chức, có quyền để dân có thể tin tưởng gửi gắm thông tin mà không bị bỏ qua, không bị trù dập. Phải tổ chức các cuộc họp dân, cán bộ đảng viên các cấp để nghe ý kiến phản ảnh ở một số địa phương, ban ngành.
 
Cuối cùng là sự nghiêm minh của Đảng, của luật pháp đối với những người có dấu hiệu tham nhũng hoặc có kết luận rõ ràng về tham nhũng. Chúng ta sẵn sàng loại ra khỏi các cấp chính quyền một số kẻ tham nhũng, thậm chí loại khỏi đời sống xã hội một số tên “cộm cán”. Không kiên quyết thì chúng vẫn còn ẩn náu lộng hành, dân vẫn lo ngại chúng trả thù cấp dưới, lo ngại chúng tiếp tục tham nhũng.

ĐINH PHONG

Tin cùng chuyên mục