Để rau muống nước tìm lại thị trường

TPHCM có 2 vùng rau muống nước nổi tiếng là xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn) và xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi). Tuy chất lượng rau muống nước ngon hơn loại rau muống hạt trồng trên luống, nhưng sự cố “con sâu làm rầu nồi canh” xảy ra trước đây đã khiến người tiêu dùng dị ứng với loại rau ăn lá này. 
Triệt tiêu động lực sản xuất
Từ sau vụ sử dụng dầu nhớt phun xịt cho rau muống nước, ngành nông nghiệp TPHCM đã siết chặt quản lý và tổ chức lại việc sản xuất loại rau được sử dụng phổ biến này.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp (thuộc Sở NN-PTNT TPHCM) đã tiếp nhận, đánh giá 86 hồ sơ đăng ký chứng nhận rau muống nước VietGAP. Kết quả có 33 hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu theo VietGAP, 12 hồ sơ phát hiện dư thuốc bảo vệ thực vật với hoạt chất Carbendazim vượt ngưỡng.
Đồng thời, trung tâm giám sát 55 cơ sở trồng rau muống nước được chứng nhận VietGAP, qua đó đã thu hồi chứng nhận đối với 29 cơ sở do không đảm bảo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tính chung số liệu từ năm 2016 đến nay, tổng cộng đã có 106 cơ sở trồng rau muống nước được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích canh tác 91ha, sản lượng hơn 14.500 tấn/năm.
Để đạt chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP không phải dễ dàng, nhưng nhiều hộ nông dân khi đạt được lại không muốn trồng theo chuẩn VietGAP mà trở lại trồng theo kiểu bình thường.
Giải thích nguyên nhân này, nông dân Nguyễn Văn Nhân, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nhị Bình, phân tích quy trình sản xuất rau muống nước VietGAP khắt khe, ghi chép tốn nhiều công sức, đã đội giá thành lên cao, nhưng giá bán lại bằng với rau trồng kiểu bình thường.
Sản lượng rau muống nước VietGAP của tổ hợp tác khá nhiều, nhưng ít doanh nghiệp thu mua. Đó là lý do khiến bà con nông dân trở lại trồng theo kiểu thông thường vì không phải tuân thủ theo quy định nào, thậm chí còn cho năng suất và sản lượng nhiều hơn, lại dễ dàng tiêu thụ. 
Anh Trần Văn Bình, nông dân xã Nhị Bình, cho rằng nông dân vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi. Theo hợp đồng, đơn vị thu mua rau muống nước VietGAP ổn định nhưng thanh toán quá chậm.
“Tôi bán cho một công ty, phải 1 tháng sau mới giải ngân, khi số tiền nợ chưa trả còn đến hơn 100 triệu đồng thì công ty đó giải thể! Hợp đồng có nhưng để đi kiện lấy lại tiền rất nhiêu khê. Số tiền này đối với người nông dân là rất lớn. Điều bất hợp lý nhất là đơn vị thu mua đã không bỏ vốn kinh doanh, cứ thu mua trước và mang đi bán lại cho bạn hàng, rồi mới dùng tiền này trả chậm nông dân”, anh Bình bức xúc.
Để rau muống nước tìm lại thị trường ảnh 1 HTX Mai Hoa sơ chế rau muống nước đạt tiêu chuẩn VietGAP
Còn anh Nguyễn Văn Bình, một hộ trồng rau muống nước khác cũng ở xã Nhị Bình, cho biết: “Nhà nước khuyến khích nông dân trồng rau muống nước theo chuẩn VietGAP, nhưng hơn 2 năm qua ruộng rau muống nước VietGAP của tôi không có một đơn vị nào đến thu mua, chỉ còn cách bán ra chợ đầu mối, bằng giá với rau muống trồng bình thường. Thử hỏi làm sao bà con nông dân không nản”.
Theo anh Vũ Văn Quân, rau muống nước trồng theo kiểu bình thường thì giá thành thấp, bán ra chợ đầu mối dễ dàng và luôn ổn định; còn việc tiêu thụ rau muống nước VietGAP hiện phải lệ thuộc vào hợp tác xã (HTX), công ty, siêu thị.
Tuy nhiên, Saigon Co.op thông tin, hiện đơn vị thu mua khoảng 1,1 tấn rau muống/ngày, trong đó rau muống nước VietGAP khoảng 300kg, còn lại là rau muống hạt. Số lượng không thể tăng lên do thị trường đang ổn định theo tỷ lệ này. Vì vậy, nếu tăng thêm số lượng rau muống nước VietGAP, đơn vị buộc phải mua ngang giá với rau muống trồng bình thường. 
Cần quy trình chung
Một đơn vị thu mua khác, Công ty Sông Xanh, cho biết, sau vụ phun xịt bằng dầu nhớt, rau muống nước không còn được tiêu thụ nhiều như trước. Lượng rau muống nước VietGAP tiêu thụ ở TPHCM hiện chỉ đạt khoảng 20% sản lượng.
Trong khi đó, bà con chỉ thích bán hàng thô, giao tại ruộng, công ty phải cho người xuống tận cánh đồng để thu mua, vận chuyển về điểm sơ chế mới có sản phẩm đẹp. Vì vậy, số lượng hao hụt khá nhiều, nên giá bán phải cao mới có thể đảm bảo duy trì hoạt động. Khi rau muống nước khan hàng, nông dân không cung cấp đủ số lượng theo hợp đồng đã ký, công ty phải tìm mua thêm từ nơi khác để đảm bảo số lượng cung cấp cho các đối tác.
Tương tự, HTX Mai Hoa cũng cho biết thị trường chưa tiếp nhận rau muống nước bởi đã bị mang tiếng xấu. Điều này khiến HTX đi chào sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để có thể lấy lại niềm tin của người tiêu dùng thì cần có sự chung sức của TP, cơ quan quản lý trong việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt nguồn hàng rau muống tại các chợ đầu mối, nếu các chỉ số vượt ngưỡng cho phép thì phải xử lý nghiêm. 
Để có thể tăng lượng tiêu thụ rau muống nước VietGAP, năm 2017, Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp đã tổ chức hội nghị kết nối với 50 đơn vị tiêu thụ (gồm các bếp ăn, trường học, chợ); phối hợp với siêu thị, công ty, HTX đến từng ruộng khảo sát để tiêu thụ rau muống nước VietGAP.
Tuy nhiên, số đơn vị thu mua vẫn rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo UBND xã Nhị Bình, vai trò của người tiêu dùng rất quan trọng, với việc có ý thức sử dụng rau an toàn, không ham giá rẻ, sẽ khuyến khích nông dân trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. 
Mặt khác, các cơ quan quản lý cần kiên trì hướng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP dù cung cấp cho chợ đầu mối hay cho đơn vị thu mua, nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Thông tư 03 của Bộ NN-PTNT, từ năm 2019, việc sử dụng thuốc Carbendazim trong trồng trọt sẽ bị xử phạt rất nặng. Cho nên từ bây giờ, nông dân cần phải thay đổi cách nhìn nhận cũng như thói quen sản xuất. Thời gian tới, TPHCM cũng cần tiến đến một chuẩn duy nhất là VietGAP, nông sản cho dù bán trong hay ngoài hệ thống siêu thị đều phải tuân thủ quy trình chung.

Tin cùng chuyên mục