Để rau quả VN có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới

Để rau quả VN có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng rau quả.

Để rau quả VN có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới ảnh 1

Ngành rau, hoa quả đang cần nhiều biện pháp để thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh: P.N.

Diện tích trồng rau quả của Việt Nam đạt trên 1,4 triệu ha, với sản lượng trên 16 triệu tấn hàng năm. Sản phẩm rau quả của Việt Nam đã xuất khẩu sang trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó nhiều thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và khối lượng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Hồng Công...

Hiện nay, một số nước ASEAN như Singapore, Malaysia có nhu cầu tương đối lớn đối với các loại rau quả, đặc biệt là rau quả tươi. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang các nước ASEAN vẫn còn thấp so với tiềm năng, năm 2007 chỉ đạt 25 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu rau, hoa, quả tươi trong những năm qua không ổn định là do các doanh nghiệp xuất khẩu chưa có được nguồn hàng cung cấp thường xuyên, đa số theo mùa vụ tự nhiên, hàng hoá chất lượng thấp và không đồng đều, nhiều lô hàng chưa đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm... Ngoài ra, trình độ nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu rau, hoa, quả ra nước ngoài của nhiều doanh nghiệp còn thấp, thiếu thông tin thị trường và giá cả, phương thức thanh toán không phù hợp với thông lệ quốc tế và nhất là phương pháp tổ chức từ sản xuất đến tiêu thụ và xuất khẩu còn rất yếu kém.

Chính vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này chỉ chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch hoặc thu mua cung ứng cho bạn hàng nước ngoài theo từng lô hàng.

Theo Bộ Công Thương, có thể khẳng định vấn đề tổ chức sản xuất và tổ chức xuất khẩu chính là nguyên nhân bao trùm dẫn đến những yếu kém, tồn tại trong phát triển xuất khẩu. Để khắc phục những tồn tại trên, cần phải có nhiều biện pháp để phát triển ngành này trong thời gian tới như: chú trọng tới chất lượng xuất khẩu, đặc biệt là khâu vận chuyển, bảo quản, tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị, xúc tiến thương mại... Một cơ chế hợp tác tốt giữa các địa phương, các đơn vị sản xuất và kinh doanh, tạo nguồn cung ứng ổn định cũng cần được chú ý.

Ngoài ra, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không thể chần chừ được nữa. Cùng với việc xây dựng các trung tâm giao dịch rau, hoa quả và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phải chấn chỉnh lại hệ thống các trung tâm kiểm tra chất lượng, nhất là hỗ trợ xây dựng thương hiệu, để rau quả của Việt Nam có thể cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Quang Lưu

Tin cùng chuyên mục