Đền ơn đáp nghĩa từ lâu đã trở thành hoạt động thường xuyên, thể hiện lòng thành kính biết ơn, trách nhiệm của toàn xã hội đối với người có công với cách mạng, qua đó động viên tinh thần, bù đắp phần nào những hy sinh mất mát của họ. Thế nhưng, việc chăm sóc sức khỏe cho người có công lại đang tồn tại điều bất hợp lý và chưa công bằng.
Theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công và Luật Bảo hiểm y tế, người có công với cách mạng được Bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Còn thân nhân của người có công, trong đó có thân nhân liệt sĩ, con của người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học lại thuộc nhóm đối tượng đồng chi trả bảo hiểm y tế, họ chỉ được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh. Điều bất hợp lý này gây khó khăn cho các đối tượng trên khi khám, chữa bệnh.
Bởi hầu hết cha, mẹ, vợ (chồng) liệt sĩ đều quá tuổi lao động; còn con liệt sĩ thuộc diện bảo hiểm y tế là người bị bệnh, tật nặng từ nhỏ; hoặc con của người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thường bị dị dạng, dị tật, không có khả năng lao động và không tự lực được trong sinh hoạt. Chính đời sống của các đối tượng này cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí, có người còn không có nguồn thu nhập nào khác ngoài trợ cấp của Nhà nước, việc phải đồng chi trả 20% khám chữa bệnh thực sự là gánh nặng không đáng có đặt lên vai những người đã chịu mất mát, thiệt thòi này. Dù những người đã chấp nhận hy sinh, chịu mất mát, thiệt thòi thường không tính toán thiệt hơn nhưng điều bất hợp lý trên rất cần điều chỉnh.
Trường hợp khác, cùng là đấng sinh thành, cùng có công nuôi dưỡng, giáo dục, động viên con tham gia chiến đấu nhưng cha của nhiều liệt sĩ (chồng của Bà mẹ Việt Nam anh hùng) lại hưởng chế độ ưu đãi có phần chênh lệch về trợ cấp, về chế độ bảo hiểm y tế so với Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cha của nhiều liệt sĩ cũng chỉ được hưởng 80% bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, chế độ điều dưỡng đối với người có công với cách mạng quy định còn nhóm đối tượng điều dưỡng luân phiên 5 năm/lần. Các cán bộ làm công tác chính sách có công cho rằng, thời gian 5 năm/lần điều dưỡng là quá dài, cần điều chỉnh xuống còn 2-3 năm/lần, vì phần lớn các đối tượng chính sách hiện nay đã lớn tuổi, nếu chậm trễ, chúng ta không có điều kiện được chăm lo cho họ. Mong rằng sự đền đáp sẽ được thực hiện hợp lý, công bằng và trọn vẹn hơn.
Mạnh Hòa