Có người cho rằng đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang đang bị lãng quên trong thời bình. Điều đó chỉ đúng một phần, do sự cạnh tranh của các ngành nghệ thuật với những phương tiện tối tân hiện đại ra đời, kéo theo một bộ phận công chúng không nhỏ sa vào thị hiếu thời thượng. Bên cạnh đó, cư dân mạng một số đông bị hút vào công nghệ internet làm chi phối văn hóa đọc.
Không gian văn hóa mới phát triển theo tiến trình đổi mới của đất nước, sự thưởng ngoạn của công chúng đòi hỏi cao hơn, đa dạng hơn về các loại hình nghệ thuật, dĩ nhiên dẫn đến hệ quả làm mai một phần nào những giá trị truyền thống, tạo ra những khoảng trống về nhận thức trong giới trẻ. Có người còn đưa ra lập thuyết “phi sử thi” trong văn học; coi như đề tài chiến tranh cách mạng và người lính thuộc về quá khứ; các nhà văn, nhà thơ thế hệ chống Pháp, chống Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh, và đây là thời điểm chuyển giao thế hệ.
Riêng về thơ, có người lớn tiếng cho rằng đã đến lúc phải “đổi gác” cho thơ, muốn tách thơ ra khỏi quỹ đạo thơ truyền thống, cổ súy, tung hô những sản phẩm thơ “tân hình thức”, thơ “trào vọt”, “nhảy cóc”…
Rõ ràng trong cơn lốc kinh tế thị trường của thời hội nhập, nhiều giá trị bị đảo lộn. Những hỏa mù được tung ra gây nhiễu loạn nền văn học nghệ thuật chính thống. Những anh hùng quán nước còn đòi xét lại các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, mà cả dân tộc đã đổ biết bao xương máu mới giành được độc lập tự do.
Không hề nao núng trước những luận điệu “cấp tiến” xu thời, các nhà văn, nhà thơ từ trong cuộc chiến tranh đi ra vẫn chung thủy với đề tài chiến tranh cách mạng và người lính Cụ Hồ, coi đó như một món nợ quá khứ, khó chi trả. Nhiều nhà văn thuộc thế hệ sau chiến tranh cũng tìm đến những cốt lõi truyền thống. Nhiều tác phẩm ra đời gây được sự chú ý của bạn đọc. Nhiều giải thưởng văn được trao cho các tác giả viết về chiến tranh.
Cùng với những tác phẩm văn học thời đổi mới, các nhà văn mặc áo lính bước vào thời bình vẫn giữ được phong độ, tiếp tục khai thác chất sử thi, nhưng với ý thức đi vào chiều sâu, nhân tình thế thái và chú ý đến cái tôi lãng mạn… Các nhà văn ở tuổi “cổ lai hy” với vốn sống dồi dào vẫn cặm cụi cày xới trên trang viết của mình và cho ra đời những tác phẩm có giá trị hiện thực cao, góp phần đáng kể vào dòng chảy văn học đương đại khởi sắc trong những năm qua.
Có điều dễ nhận ra rằng, ở khoảng lùi xa cuộc chiến, các nhà văn có cái nhìn bao quát hơn, với những góc nhìn mới về chiến tranh, không sa đà vào mô tả các trận đánh ác liệt hoặc lối viết một chiều quen thuộc, mà đề cao tính nhân văn, kể cả khi viết về những nhân vật phía bên kia chiến tuyến.
Sự tìm tòi trăn trở để luận giải những vấn đề trong chiến tranh, đã làm nên những tác phẩm có sức thuyết phục cao hơn. Tuy nhiên ở xu hướng khai thác sâu vào nhân bản, hậu phương người lính, một số tác giả thiếu tỉnh táo, đi quá xa… gây phản cảm cho người đọc, thậm chí lệch lạc, xuyên tạc, cường điệu, xa rời thực tế đến mức khó chấp nhận.
Có tác phẩm văn học khi chuyển thể đưa lên màn ảnh hình tượng những người lính nhếch nhác, bôi bác hoặc như kẻ tâm thần, vô thức ngồi đầu đường xó chợ, nói năng lảm nhảm… bị công chúng phản ứng mạnh mẽ. Có những truyện ngắn, tiểu thuyết khai thác quá nhiều về mặt trái, đưa những cái cá biệt thành phổ quát, khiến người đọc hiểu sai cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân và dân ta…
Về thơ, thời đổi mới, có thể đưa ra mấy nhận định sau đây:
1. Thay đổi quan niệm nghệ thuật. Thơ trăn trở hướng tới cuộc sống thường nhật vô vàn phức tạp. Chất sử thi giảm, nhường chỗ cho cái nhìn thế sự, nhưng vẫn giữ được mạch thơ chính thống là anh hùng ca và trữ tình.
2. Sự trở về cái tôi nhân bản. Thơ vận động theo hoàn cảnh lịch sử mới. Một số cây bút thành danh trong kháng chiến chống Mỹ cũng đổi giọng điệu. Tuy nhiên quá trình tìm tòi khám phá, một số ít rơi vào cực đoan, đưa ra những triết lý thiếu thuyết phục… Lẽ ra “Máu đã đổ rồi thơ phải cao hơn” như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết.
3. Cần ghi nhận sự đóng góp của trường ca trên nền thơ chung. Đấy là những tác phẩm viết về chiến tranh và người lính, dài hơi, mang đậm chất sử thi và chuyển tải được những mảng hiện thực rộng lớn mà những bài thơ bình thường không kham nổi. Đến nay trào lưu viết trường ca có vẻ như dừng lại, nhưng nó vẫn manh nha khai thác bề sâu đề tài chiến tranh kết hợp với cuộc sống đời thường hiện tại.
Tựu trung đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang không chỉ là nguồn cảm hứng với các tác giả từng khoác áo lính mà cả với những nhà văn trẻ, bởi vì trong chúng ta dường như mỗi gia đình đều có một anh bộ đội và bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Món nợ khó trả này là có thật, trong khi tuổi tác những nhà văn, nhà thơ từng một thời lăn lộn với chiến trường vẫn đè nặng trong tâm trí. Tôi nghĩ, ngoài việc đề cao hình ảnh bộ đội Cụ Hồ, quỹ hỗ trợ sáng tác đề tài chiến tranh cách mạng cần được duy trì và phát triển, tạo điều kiện cho các tác phẩm có chất lượng ra đời.
Lam Giang