Để tăng lương không là vòng luẩn quẩn

Phải đến lần đàm phán thứ 3, giới sử dụng lao động và đại diện người lao động (NLĐ) đã thống nhất được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. So với năm 2015, mặt bằng lương tối thiểu vùng được tăng trung bình 12,4%. Với con số này, lương sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

Phải đến lần đàm phán thứ 3, giới sử dụng lao động và đại diện người lao động (NLĐ) đã thống nhất được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. So với năm 2015, mặt bằng lương tối thiểu vùng được tăng trung bình 12,4%. Với con số này, lương sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

Khoản 2 Điều 91 Bộ luật Lao động quy định: “Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG)”. Từ năm 2013, HĐTLQG được thành lập theo quyết định của Thủ tướng với đầy đủ thành viên là đại diện của cả 3 bên: đại diện cho NLĐ; đại diện cho người sử dụng lao động; đại diện cho Chính phủ. Hàng năm, HĐTLQG phải tính toán, thương lượng và thống nhất mức lương tối thiểu vùng để khuyến nghị Chính phủ xem xét, quyết định.

Qua 2 năm HĐTLQG hoạt động cho thấy, để đạt được sự thống nhất tương đối về mức lương tối thiểu khuyến nghị Chính phủ thì HĐTLQG thường phải thương lượng nhiều lần. Trong từng lần thương lượng, mỗi bên đều có phân tích, tính toán mức lương tối thiểu dựa trên các yếu tố có lợi hơn cho bên mình đại diện, vì vậy mà kết quả thường có sự chênh lệch, thậm chí chưa có sự thoải mái giữa các bên. Đơn cử, mức tăng 12,4% trong ngày 3-9 vẫn làm các bên chưa thực sự hài lòng.

Thực tế, trong ngày 3-9, trước khi đi đến được con số 12,4% mang tính trung hòa này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI (đại diện cho chủ sử dụng lao động) vẫn chốt ở con số 10%, cao nhất là 10,7% chứ không lên được đến 11%; còn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện cho NLĐ) chỉ chấp nhận mức tăng tối thiểu 14,3%.

Tăng lương lên mức nào luôn có độ vênh về quan điểm giữa 2 giới “chủ” và “thợ”. Bản chất của tiền lương là phải bảo đảm hài hòa lợi ích của 2 bên, thậm chí là 3 bên (cả lợi ích Nhà nước). Đứng về phía NLĐ, quan điểm của Tổng liên đoàn Lao động rất có lý khi mà Điều 91, Bộ luật Lao động 2012 quy định lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho NLĐ và gia đình họ. Tuy nhiên, cho đến nay luật có hiệu lực vài năm mà lương tối thiểu vùng mới chỉ đáp ứng được trên 70% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, cuộc sống của công nhân rất khó khăn. Đó là một nghịch lý. Ngược lại, phía VCCI cho rằng, hiện nay có tới 70% doanh nghiệp đang làm ăn không có lãi, mức tăng lương không hợp lý sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh, thu hẹp sản xuất. Mà hệ quả khi doanh nghiệp khó khăn là đẩy NLĐ ra đường. Dù quan điểm của 2 bên khác nhau nhằm bảo vệ lợi ích của giới mà họ đại diện, nhưng có lẽ 2 bên đều hiểu rằng, quan hệ tiền lương giữa doanh nghiệp và NLĐ chính là mối quan hệ của những người trên cùng một con thuyền. Doanh nghiệp không thể tồn tại nếu thiếu NLĐ. Nhưng NLĐ cũng không thể có việc làm, thu nhập nếu doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất. Hài hòa lợi ích của 2 bên để cùng có lợi, cùng phát triển là điều hiển nhiên.

Trong bối cảnh hiện nay, mức tăng lương 12,4% là mức chấp nhận được để hài hòa lợi ích của 2 bên. Nhưng vấn đề quan trọng hơn sau việc tăng lương, đó là quản lý nhà nước phải có động thái tích cực để giám sát việc “té nước theo mưa” - hệ lụy của việc tăng lương này. Thực tế, mỗi lần tăng lương là vô vàn những thứ khác cũng rục rịch tăng theo. Kết quả là lương tăng thì ít, giá các loại hàng hóa, dịch vụ tăng thì nhiều. Hệ quả là tuy được tăng mỗi tháng thêm vài trăm ngàn đồng tiền lương nhưng NLĐ phải chi thêm bằng hoặc hơn số đó cho việc tăng vật giá, cuộc sống của họ đôi khi còn bị chật vật hơn. Còn doanh nghiệp cũng phải lao đao phấn đấu tăng doanh thu bằng mọi giá: tăng giá thành sản phẩm, tăng năng suất lao động của nhân viên, giảm công nhân, cắt giảm thưởng… Như vậy tăng lương không khéo lại rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn. Ý nghĩa tăng lương giảm đi rất nhiều, thậm chí không còn.

Rõ ràng, nếu mức tăng lương không hợp lý sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh, thu hẹp sản xuất và đẩy NLĐ ra đường. Nhưng nếu tăng rồi mà quản lý nhà nước không phát huy được vai trò thì ý nghĩa của việc tăng lương cũng sẽ không như mong đợi. Hơn cả việc tăng lương vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, NLĐ mong giá cả hàng hóa bình ổn, giá xăng giảm phù hợp với thế giới; giá điện, giá gas, giá dịch vụ ổn định; phúc lợi xã hội cải thiện, điều kiện giáo dục, y tế tốt hơn; chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp được thực thi hiệu quả. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm trong việc tìm giải pháp để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật, có cách đầu tư hiệu quả chứ không chỉ dựa vào nhân công giá rẻ. Chỉ có như vậy chúng ta mới phá được vòng luẩn quẩn của việc tăng lương và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa, tạo công ăn việc làm, hướng đến tăng trưởng bền vững.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục