Sáng nay, tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM

Đề thi nằm trong chương trình

Đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2008 – 2009

Sáng nay, 18 – 6, hơn 61.000 thí sinh (trong đó có 53.000 TS thi lớp thường hơn 8.000 TS dự thi chuyên) làm bài môn Văn (120 phút) trong kỳ tuyển sinh lớp 10.

Bước ra khỏi Hội đồng thi THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình), THCS Đức Trí (quận 1), nhiều TS rầu rĩ vì bị sập “tủ” môn Văn.

Tương tự, TS Lan Anh của trường THCS Âu Lạc than: Cô giáo chỉ tập trung ôn luyện những bài thơ nói về người lính, tình đồng chí như bài “Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, rốt cuộc đề thi lại chẳng ra câu nào liên quan đến nội dung ôn tập nên em cầu may được 5-6 điểm, mặc dù đề thi không khó, nằm trong chương trình”. Bạn bè cô bé cũng cùng tâm trạng lo lắng cho bài làm vì đề không trúng “tủ”.

Tại Hội đồng thi Ngô Quyền, nhiều TS của các trường THCS Võ Văn Tần, Ngô Quyền… lại hớn hở vì trúng tủ. Mặc dù đề thi nằm trong chương trình nhưng nhiều TS đều than đề thi khá dài, “Em làm bài miệt mài đến khi trống báo hiệu còn 15 phút hết giờ làm bài thì mới hoàn thành và xem lại bài làm”, một TS cho biết.

Chiều nay, lúc 14 giờ 30, các TS tiếp tục thi môn ngoại ngữ trong 60 phút.

D.Doanh – T.Hà

Đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2008 – 2009
Thời gian làm bài: 120 phút

Câu 1: (1 điểm)

Chép nguyên văn bốn câu cuối bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.

Câu 2: (1 điểm)

Tìm nghĩa gốc, nghĩa chuyển và phương thức chuyển nghĩa của các từ in đậm trong các câu thơ sau:

a. Đề huề lưng túi gió trăng
Sau chân theo một vài thằng con con.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

b. Buồn trong nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Câu 3: (3 điểm)

Viết một văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về đức hy sinh.

Câu 4: (5 điểm)

Cảm nhận và suy nghĩ của em về đọan thơ:


Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đầu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

(Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá)

GỢI Ý GIẢI ĐỀ THI

(chỉ để tham khảo, chưa phải đáp án chính thức)

Câu 1 (1 điểm):

Học sinh cần đảm bảo được yêu cầu:

- Chép đúng, đủ bốn câu thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.

- Không sai chính tả, chú ý những dấu câu có giá trị nghệ thuật đặc biệt: dấu chấm trong câu một, dấu hỏi ở câu cuối cùng.

Câu 2 (1 điểm):

Học sinh xác định nghĩa gốc, nghĩa chuyển và phương thức chuyển nghĩa của từ in đậm, cụ thể là:

a. Từ chân được dùng với nghĩa gốc (Sau chân theo một vài thằng con con)

b. Từ chân được dùng với nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ. (Chân mây mặt đất một màu xanh xanh)

Câu 3 (3 điểm):

Đề bài yêu cầu học sinh viết văn bản nghị luận trình bày suy nghĩ về đức hi sinh. Đây là đề bài có tính chất tích hợp trong việc kiểm tra kỹ năng lập luận, bàn bạc, đánh giá … Học sinh có thể viết đoạn văn hoặc bài văn ngắn (không quá một trang giấy thi) về một vấn đề thuộc tư tưởng, đạo lí. Do vậy, học sinh cần bảo đảm được những yêu cầu cơ bản sau:

- Kỹ năng viết một văn bản: bảo đảm trọn vẹn về nội dung, hoàn chỉnh về hình thức, bố cục văn bản rõ ràng (mở, thân và kết); bảo đảm mối liên kết nội dung và hình thức; viết đúng chính tả, dùng từ, ngữ pháp, văn mạch lạc, sáng rõ.

- Nêu suy nghĩ về đức hi sinh: học sinh cần giải thích, trình bày những biểu hiện của đức hi sinh và những suy nghĩ, đánh giá của bản thân về đức hi sinh, chẳng hạn:

+ Đức hi sinh là thái độ chấp nhận những thiệt thòi, mất mát của bản thân vì những điều tốt đẹp, vì người khác, vì lí tưởng …

+ Biểu hiện của đức hi sinh:

Trong đời sống xã hội, quốc gia, dân tộc: những anh hùng dân tộc đã hi sinh cả tuổi trẻ, chấp nhận cuộc sống gian lao, khó khăn vất vả để chiến đấu bảo vệ tổ quốc …

Trong gia đình:  cha mẹ làm việc vất vả để chăm lo cho con cái, anh chị nhường nhịn, chia sẻ những phần tốt đẹp nhất cho em …

+ Đức hi sinh thuộc về nhận thức, ý thức của con người, làm nên nhân phẩm con người.

+ Đức hi sinh giúp cho xã hội ngày một tốt đẹp, người yêu người.

+ Đây là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cần được gìn giữ và phát huy

Câu 4 (5 điểm):

Trên cơ sở những hiểu biết khái quát về tác giả Huy Cận, về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, học sinh trình bày cảm nhận, suy nghĩ của mình về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. Các em có thể trình bày bài làm của mình theo nhiều cách, song cần đảm bảo được một số yêu cầu cơ bản sau đây:

1. yêu cầu về kĩ năng : Kết cấu bài làm chặt chẽ, hợp lí, văn diễn đạt mạch lạc, sáng rõ, có cảm xúc. Đảm bảo viết đúng chính tả, ngữ pháp.

2. yêu cầu về kiến thức:

a. Cảm nhận, suy nghĩ về nội dung đoạn thơ:

- Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển đêm với niềm vui phơi phới, khỏe khoắn hân hoan của người lao động làm chủ công việc mình.

+ Trí tưởng tượng bay bổng, cảm hứng lãng mạn, nghệ thuật nhân hóa đã tái hiện sinh động cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển đêm. Con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước biển cả bao la đã trở thành con thuyền kì vĩ, khổng lồ, hòa nhập với kích thước rộng lớn của thiên nhiên vũ trụ.

+ Cuộc mưu sinh trên biển hết sức khó khăn, vất vả (Ra đậu dặm xa dò bụng biển) nhưng cũng thật lớn lao, hùng dũng (Dàn đan thế trận lưới vây giăng)

+ Không gian lao động ngập tràn niềm vui, sự lạc quan, tin yêu. Công việc lao động nặng nhọc của người đánh cá đã thành bài ca đầy niềm vui, nhịp nhàng cùng thiên nhiên.

- Biển hiện lên với vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ của các loài cá trên biển và vẻ gần gũi, bao dung chở che, nuôi sống con người của biển.

+ Nghệ thuật liệt kê, phép nhân hóa, sự liên tưởng, tưởng tượng bay bổng đã chắp cánh cho hiện thực trở nên kì ảo, làm giàu thêm vẻ đẹp vốn có của các loài cá trong tự nhiên.

+ Phép so sánh mới lạ (Biển như lòng mẹ) cho thấy sự trân trọng tài nguyên biển và mối quan hệ gắn bó, hài hòa, tin yêu giữa con người và biển.

b. Cảm nhận, suy nghĩ về nghệ thuật:

- Lời thơ, âm điệu thơ vừa dõng dạc, say mê, khỏe khoắn, sôi nổi vừa nhẹ nhàng thấm sâu.

- Vần thơ đan xen hài hòa bằng, trắc. Vần trắc tạo sức mạnh, sự góc cạnh, dõng dạc; vần bằng tạo sự vang xa, bay bổng.

- Cảm hứng hiện thực đan xen cảm hứng lãng mạn, trí tưởng tượng bay bổng, sự liên tưởng hợp lí, hình ảnh thơ đẹp, tráng lệ, giàu màu sắc … đã phát huy hiệu quả cao trong việc thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên, vũ trụ và con người lao động.

c. Đánh giá: học sinh biết đánh giá đoạn thơ, bài thơ trong đề tài mới của sáng tác Huy Cận. Cụ thể là: con người mới, cuộc sống mới trong văn học, cảm hứng lãng mạn cách mạng, niềm vui say, tự hào của tác giả trước cuộc sống mới …

Người gợi ý: Thạc sĩ Trần Tiến Thành
(Giáo viên Văn - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM)

Gợi ý giải đề thi

Tập thể giáo viên Trung Tâm BDVN LUYỆN THI ĐẠI HỌC KHAI NGUYÊN, 93 Tân Sơn Nhì, P. Tân Sơn Nhì, Q. Tân Phú TPHCM.

Câu 1 (1 điểm): Chép nguyên văn 4 câu cuối bài thơ bếp lửa của Bằng Việt.

Gởi cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

Câu 2 (1 điểm): Tìm nghĩa gốc, nghĩa chuyển và phương thức chuyển nghĩa của các từ in đậm trong các câu thơ sau:

a) Đuề huề lưng túi gió trăng.
Sau chân theo một vài thằng con con

( Nguyễn Du, Truyện kiều)

b) Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

( Nguyễn Du, Truyện kiều)

Trả lời:

a) Chân: Nghĩa gốc:
b) Chân: Nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ.

Câu 3 (3 điểm): Viết một bài văn nghị luận (không quá một trang giấy thi). Trình bày suy nghĩ về đức hy sinh :

Yêu cầu: Học sinh làm được các ý sau:

Mở bài: Giới thiệu về đức hy sinh.

Thân bài: Giải nghĩa đức hy sinh: Tức sẵn sàng từ bỏ quyền lợi cá nhân, thậm chí cả tính mạng của mình để bảo vệ một điều gì đó thiêng liêng, hoặc một người nào đó mà ta thương yêu quý trọng. Vậy đức hy sinh là một phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người.Những biểu hiện của đức hy sinh:

  • Trong gia đình: Tình yêu thương, sự hy sinh của cha mẹ -ông bà đối với con cái. Đó là sự quan tâm lo lắng từ bữa ăn đến giấc ngủ, chia sẻ tinh thần …
  • Trong nhà trường: Sự hy sinh của thầy cô đối với học trò, của bạn bè hy sinh cho nhau.
  • Ngoài xã hội: Sự hy sinh của các bậc anh hùng, vĩ nhân đối với nhân loại: Bác Hồ đã hy sinh cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc….
  • Những tác dụng của đức hy sinh: Làm cho cuộc sống trở nên đẹp hơn, nhân văn hơn, đẩy lùi cái ác, cái ích kỷ, xấu xa nhỏ nhen.

Kết luận: Cảm nhận cá nhân: em học tập được gì từ đức hy sinh của gia đình, thầy cô bạn bè đối với em.

Yêu cầu: Học sinh hiểu và giải nghĩa tương đối rõ ràng. Nêu được những biểu hiện cụ thể của đức hy sinh và cảm nh ận của mình.

Câu 4 (5 điểm): Cảm nhận và suy nghĩ của em về đoạn thơ:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Cá nhụ cá chim cùng cá đé.
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em qu ẩy trăng vàng choé
Đêm thở sao lùa nước Hạ Long.

Ta hát bài gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn lòng ta tự buổi nào

(Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá)

Gợi ý: 

Mở bài: Giới thiệu về tác gỉa, tác phẩm.

Nhận xét chung về bút pháp thơ Huy Cận sau Cách Mạng Tháng Tám: Niềm lạc quan trước vận mệnh đất nước, hình ảnh thơ bay bổng lãng mạn, kỳ vĩ.

Trích dẫn đoạn thơ:

Thân bài: Nêu được hoàn cảnh sáng tác: Năm 1958, thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Huy Cận đã đi thực tế ở Quảng Ninh, hoà mình vào niềm vui của đất nước, tinh thần lao động tập thể,  Huy Cận đã sáng bài thơ ca ngợi  niềm vui, niềm hăng say của những con người làm chủ cuộc đời mình.

Bài thơ được làm theo thể thất ngôn nhưng số khổ thơ được mở ra rộng ra rất tự do, giọng thơ thể hiện cảm xức dạt dào mạnh mẽ.

Ở khổ 1 :

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra d đậu d ặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Thấy được hình ảnh người lao động và công việc của những người dân chài đc đặt vào một không gian rộng lớn. Nhằm tăng thêm tầm vóc kích thước và vị thế của con người. Nhà thơ đã sử dụng những thủ pháp phóng đại kết hợp với những liên tưởng táo bạo để sáng tạo nên những hình ảnh của những người lao động và tinh thần lao động tập thể. Chú ý biên pháp nghệ thuật ẩn dụ

Ở khổ 2:

Cá nhụ cá chim cùng cá đé.
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé
Đêm thở sao lùa nước Hạ Long.

Vẻ đẹp của biển đêm: Biện pháp liệt kê cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song. Vẻ nên bức tranh kỳ ảo của biển đêm và sự giàu có của biển bạc việt nam

Vẻ đẹp của biển đêm: Hoà quyện với vẻ đẹp của con người lao động dệt lên bức ranh tráng lệ rạo rực sức sống, rạng rỡ vẻ giàu đẹp làm say lòng người. Qua đó thấy được cái nguồn sống b ất tận kỳ diệu của biển đông. Hình ảnh “đêm thở” ta như thấy cảm màn đêm phập phồng, thấy cả gió cả sóng nước theo nhịp thở của vũ trụ, ngàn con sóng dồn đuổi ánh lên những đợt vàng sáng lấp lánh của vảy cá phản chiếu ánh trăng, ánh sao. Những hình ảnh trên được xây dựng chủ yếu bởi bút [pháp lãng mạng và sức tưởng tượng vô cùng phong phú của nhà thơ.

Khổ thứ 3:

Ta hát bài gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn lòng ta tự buổi nào

Bài hát ngợi ca lao động: Biện pháp nhân hóa, liên tưởng độc đáo, khổ thơ l  khúc ca, ngợi ca vẻ đẹp khoẻ khoắn của người lao động trong sự hài hòa với vẻ đẹp tráng lệ của thiên nhiên kỳ vỹ  .

Về giọng điệu và âm hưởng: Bài thơ có âm hưởng khoẻ khoắn sôi nổi, vui tươi. Lời thơ dõng dạc như khúc hát say mê hào hứng. Vần thơ biến đổi, kết hợp với sự linh hoạt của nhịp thơ tạo nên sức mạnh, sự ngân bổng và vang xa cho tình ý của thơ.

Kết luận:

Cảm nghĩ, nhận xét chung: Qua đoạn thơ thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước của tác giả, niềm vui chan hoà  của con người trong lao động, trong tinh thần tập thể trong tư thế làm chủ biển khơi, làm chủ đất nước.

Những hình ảnh đẹp lãng mạn bay bổng, kỳ vĩ. Những biện pháp nghệ thuật nhân hoá ẩn dụ, liên tưởng sáng tạo.

Liên hệ bản thân: (nếu có): Em làm gì để đóng góp xây dựng đất nước giàu đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục