Để thoát danh “thiên đường trốn thuế”

Chính sách về tài chính ưu đãi tại Singapore khiến giới nhà giàu trên thế giới đổ xô đến quốc đảo này gửi tiền vào ngân hàng và chi bộn tiền mua sắm bất động sản. Những thuận lợi đó cũng là nguyên nhân khiến quốc gia Đông Nam Á này lâu nay bị coi là “thiên đường trốn thuế”.

Chính sách về tài chính ưu đãi tại Singapore khiến giới nhà giàu trên thế giới đổ xô đến quốc đảo này gửi tiền vào ngân hàng và chi bộn tiền mua sắm bất động sản. Những thuận lợi đó cũng là nguyên nhân khiến quốc gia Đông Nam Á này lâu nay bị coi là “thiên đường trốn thuế”.

Mạng tin CNA cho biết, để xóa đi tiếng xấu trên, Singapore vừa qua đã công bố hàng loạt các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường sức ép đối với những “thiên đường trốn thuế” như Thụy Sĩ, với mục đích ngăn chặn các hành vi trốn thuế và gian lận thuế xuyên quốc gia. Singapore khẳng định sẽ tham gia hiệp định đa phương về việc chia sẻ thông tin chi tiết thuế của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) tuyên bố sẽ ký kết Hiệp định tương trợ hành chính trong các vấn đề về thuế do OECD khởi xướng.

Ngoài ra, MAS sẽ mở rộng hoạt động trợ giúp về trao đổi thông tin (EOI) với tất cả các đối tác đã ký kết hiệp định thuế song phương với nước này theo tiêu chuẩn được cộng đồng quốc tế chấp thuận, đồng thời cho phép Cơ quan Thuế vụ nội địa Singapore (IRAS) thu thập thông tin ngân hàng từ các tổ chức tài chính mà không cần xin lệnh của tòa án. Thêm nữa, MAS dự định sẽ ký kết với Mỹ hiệp định liên chính phủ nhằm giúp các tổ chức tài chính ở Singapore thực thi Đạo luật tuân thủ thuế tài khoản nước ngoài (FATCA). Đây là đạo luật của Mỹ yêu cầu tất cả các tổ chức tài chính bên ngoài nước Mỹ phải định kỳ cung cấp thông tin về tài khoản của các công dân Mỹ cho nhà chức trách Mỹ.

Trước đó, Singapore đã thắt chặt các quy định về kiểm tra tài khoản tình nghi ở các tổ chức tài chính, theo đó buộc các tổ chức tài chính phải xác minh những tài khoản mà họ nghi ngờ có chứa khoản tiền thu được từ các hành vi trốn thuế hoặc gian lận thuế và nếu cần, phải đóng các tài khoản này trước ngày 1-7. Sau ngày đó, các khoản tiền thu được từ việc trốn thuế sẽ bị coi là hành vi phạm tội theo các điều khoản sửa đổi của luật chống rửa tiền của Singapore.

Singapore hiện là trung tâm tài chính lớn thứ 4 thế giới. Theo MAS, đến cuối năm 2011, ngành công nghiệp quản lý tài sản của nước này đang quản lý số tài sản có tổng trị giá khoảng 1.100 tỷ USD, trong đó hơn 70% số tài sản này có xuất xứ từ nước ngoài. Một số chuyên gia nhận định, động thái mới nhất của nhà chức trách Singapore có thể sẽ tác động tiêu cực đối với ngành quản lý tài sản của đảo quốc này. Điều người ta quan ngại nhất là khả năng dòng vốn sẽ chảy ra khỏi Singapore. Mạng tin CNA dẫn phân tích của ngân hàng Thụy Sĩ Bordier & Cie cho rằng, một số khách hàng có thể không thích các biện pháp mới và điều này có thể dẫn tới thiệt hại cho hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, các ảnh hưởng như vậy sẽ chỉ mang tính chất tạm thời. Hơn thế, theo Evrard Bordier, một quan chức của Bordier & Cie, động thái trên của các nhà chức trách Singapore sẽ tạo ra sự khác biệt giữa Singapore và các “thiên đường trốn thuế” kém danh tiếng khác, đồng thời đặt vị thế tài chính của đảo quốc này ngang hàng với London, New York và thậm chí là Thụy Sĩ.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục