Để thông tin từ nhà khoa học đến với Thủ tướng nhanh nhất

Mới đây, trong buổi làm việc với một số viện nghiên cứu, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Thủ tướng muốn nắm thông tin nhanh nhất, chính thức, trực tiếp từ các nhà khoa học, kể cả các ý kiến phản biện khác nhau”. Chúng tôi hoan nghênh tinh thần cầu thị của Thủ tướng, đây là một điều đáng khích lệ cho các nhà khoa học.

Với lực lượng đông đảo các nhà khoa học và nhiều viện nghiên cứu, trường đại học như hiện nay, hàng năm có rất nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến các mặt của đời sống xã hội được thực hiện và công bố. Thế nhưng, nhiều ý kiến đã cho rằng hình như các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học sau khi được nghiệm thu thì bị xếp vào ngăn kéo chứ ít khi thấy các kết quả nghiên cứu hiện diện trong các chính sách hay các giải pháp cho các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Nguyên nhân của việc này có thể xuất phát từ chính việc chất lượng của các công trình nghiên cứu không cao khiến cho các kết quả nghiên cứu không thuyết phục, dẫn đến việc chúng không được sử dụng trong việc ban hành chính sách hoặc ứng dụng vào việc giảng dạy. Vì thế, từ đây, với mong muốn lắng nghe các nhà khoa học của Thủ tướng, buộc các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học phải làm sao thực hiện được các công trình mang lại độ tin cậy cao để có thể được tham khảo và vận dụng trong các chính sách. Điều cần lưu ý là độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu phải được quy chiếu vào một tiêu chí duy nhất, đó là các chuẩn mực khoa học, chứ không phải là quan điểm hay mong muốn của một cá nhân hay một cơ quan tài trợ nghiên cứu nào.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến các kết quả nghiên cứu không được chú ý là vì Chính phủ, các bộ ngành chưa có cơ chế tiếp nhận hoặc chưa có thói quen tham khảo các công trình nghiên cứu trước khi soạn thảo các chính sách, hệ quả là trong thời gian qua có khá nhiều dự thảo của các bộ ngành khi ban hành đã thể hiện nhiều sai sót và những điều bất hợp lý hoặc xa rời thực tế cuộc sống. Do đó, với mong muốn của người đứng đầu Chính phủ, có lẽ ngay từ bây giờ các cơ quan có liên quan cần phải thiết lập một cơ chế tham vấn một cách trực tiếp và hiệu quả hơn để những ý kiến của các nhà nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu có thể đến được với các chính sách nhiều hơn.

LÊ MINH TIẾN (Đại học Mở TPHCM)

Tin cùng chuyên mục