Xung quanh vấn đề đầu tư sản xuất xi măng

Để thực hiện hiệu quả các dự án đã đầu tư

Vấn đề chất lượng
Để thực hiện hiệu quả các dự án đã đầu tư

Vấn đề chất lượng

Thời gian vừa qua, báo chí đã đưa khá nhiều thông tin về việc các mặt hàng nguyên liệu dùng để sản xuất vật liệu xây dựng kém chất lượng, gây ảnh hưởng xấu cho các công trình xây dựng. Tại các hội nghị họp bàn về chất lượng xi măng rất nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc về vấn đề này. Đại diện một số doanh nghiệp có uy tín ở phía Nam cho rằng: chất lượng clinker của các nhà máy xi măng phía Bắc đưa vào miền Nam tiêu thụ kém xa chất lượng clinker nhập từ Thái Lan do các nhà máy xi măng ở phía Nam như Cotec, Hà Tiên cung cấp.

Để thực hiện hiệu quả các dự án đã đầu tư ảnh 1

Nhà máy sản xuất xi măng hiện đại của Cotec. Ảnh: T.L.

Do sản xuất bởi nguyên liệu kém chất lượng nên giá bán của các loại xi măng này quá rẻ, tạo nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của không ít các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thực tế cho thấy, thời gian gần đây hàng loạt các nhà máy xi măng được đầu tư ra đời. Nhưng có không ít các nhà máy phát triển, thiếu kiểm soát đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ, nên chất lượng xi măng không đảm bảo.

Trong số đó có không ít doanh nghiệp hoạt động theo kiểu ăn xổi, họ nhập clinker giá rẻ từ Đài Loan, Trung Quốc về sản xuất nên chất lượng xi măng không cao. Theo Bộ Xây dựng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chất lượng xi măng. Các doanh nghiệp phải làm sao để chất lượng xi măng không thua Thái Lan. Chất lượng kém, chính là chúng ta đã tự hại mình, tự loại bỏ mình khi vào WTO.

Nỗ lực thực hiện tốt các dự án đã đầu tư

Qua theo dõi tình hình đầu tư các dự án xi măng, Bộ Xây dựng đã đề nghị không nên cấp phép ồ ạt, bởi cân đối cung - cầu xi măng đến năm 2015 đã được xác lập. Nếu cấp phép tràn lan sẽ gây khó khăn cho tiêu thụ sau này, vì thực tế đến nay, đã có 8 dự án được cấp phép bổ sung vào quy hoạch.

Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã xác định rõ tốc độ tăng trưởng và nhu cầu xi măng của toàn xã hội theo từng năm. Năm 2006, nhu cầu thực tế về xi măng của cả nước là 32,5 triệu tấn và trong năm 2007 nhu cầu xi măng có khả năng lên đến 37 triệu tấn, phù hợp với dự báo nhu cầu trong quy hoạch theo phương án trung bình.

Hiện nay, các dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp xi măng về cơ bản đều đạt các chỉ tiêu tiên tiến về tiêu hao nhiên liệu, nguyên liệu, điện năng, vật liệu, nồng độ bụi của khí thải, cường độ tiếng ồn, mức độ tự động hóa, năng suất lao động, tỷ lệ chế tạo thiết bị trong nước. Như vậy, dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng nêu trong quy hoạch là khá sát với thực tế, nên những dự án bổ sung quy hoạch nếu không cân đối kỹ sẽ rất dễ tác động xấu đến toàn ngành.

Mặc dù còn có một số dự án gặp khó khăn trong triển khai đầu tư, nhưng tiến độ đầu tư nói chung, khả năng huy động công suất của ngành xi măng trên thực tế sẽ cao hơn, góp phần giảm lượng clinker nhập khẩu hàng năm so với dự báo trong quy hoạch.

Dự báo từ năm 2009, Việt Nam sẽ có đủ xi măng đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước, không phải nhập khẩu clinker và có một phần xi măng xuất khẩu. Do đó, việc hạn chế cấp phép đầu tư mới xi măng tại thời điểm này là cần thiết. Có thể thấy rằng, cùng với mục tiêu đảm bảo nguồn cung cho thị trường, ngành xi măng cũng rất cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì thế, quản lý chặt chẽ việc đầu tư các nhà máy mới trên phạm vi toàn quốc được xem là một giải pháp cấp thiết, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của ngành xi măng trong những năm tới.

THẾ HẢI-YẾN PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục