Để thuốc nội vững vàng trên “sân nhà”

- Phóng viên:
Để thuốc nội vững vàng trên “sân nhà”

Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó một trong những mục tiêu lớn nhất là bảo đảm 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh. Để rõ hơn về các giải pháp để phát triển sản xuất thuốc trong nước, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).

Để thuốc nội vững vàng trên “sân nhà” ảnh 1

TS Trương Quốc Cường

- Phóng viên: Hiện nay, thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thị trường và phần lớn là thuốc có giá trị thấp? Ông có thể cho biết những giải pháp quan trọng để sản xuất thuốc trong nước có chất lượng cao, dần thay thế thuốc ngoại?

>> TS TRƯƠNG QUỐC CƯỜNG: Để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020 thì một trong những giải pháp là tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc generic (thuốc hết thời gian bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) bảo đảm chất lượng cao, giá thành hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu. Bởi lẽ sản xuất thuốc generic đang là xu hướng của thế giới trong thập niên 2011 - 2020 và đây cũng là thị trường phát triển mạnh mẽ nhất. Hơn nữa đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam hiện ở mức độ từ 2,5 - 3/4 theo cấp độ phân loại của WHO. Cấp độ cao nhất (4) là sản xuất được nguyên liệu và phát minh thuốc mới. Trong khi đó ngành dược Việt Nam mới chỉ sản xuất được thuốc generic. Đồng thời, chúng ta cũng phải đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu theo hướng hiện đại hóa, chuyên môn hóa để từng bước sản xuất được những loại thuốc đặc trị, thuốc hiếm nhằm dần thay thế thuốc ngoại.

- Tiềm năng dược liệu của Việt Nam rất lớn, chúng ta sẽ đầu tư, phát triển lĩnh vực này như thế nào, thưa ông?

Thực sự Việt Nam có tiềm năng rất lớn về cây dược liệu trong khu vực Đông Nam Á, với trên 4.000 loài cho công dụng làm thuốc được phân bố rộng khắp các vùng miền trong cả nước, trong đó có các loại rất quý giá như: sâm Ngọc Linh, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ... Ngay từ thời xa xưa trong lịch sử, danh y Tuệ Tĩnh đã có câu “Nam dược trị nam nhân” nên ngày nay việc phát triển sản xuất thuốc từ dược liệu là một thời cơ rất lớn, hướng đi đúng đắn, phù hợp nhất để phát triển nhanh ngành dược trong nước.

Để phát triển được sản xuất thuốc từ dược liệu quan trọng nhất là phải có cơ chế chính sách giúp người dân phát triển các vùng dược liệu và đầu ra để tiêu thụ sản phẩm.

Chúng ta có rất nhiều loại cây thuốc quý, trong đó có những loại cây chỉ điều chế ra một thuốc đã có doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Nếu chúng ta chỉ cần tập trung đầu tư phát triển làm tốt khoảng 100 loại cây thuốc thôi thì mỗi năm doanh thu sản xuất thuốc dược liệu đã lên tới hàng ngàn tỷ, có thể chiếm tới một nửa giá trị thị trường dược trong nước. Để làm được điều đó, chúng tôi đã có một số chính sách như: ưu tiên đăng ký thuốc đối với những thuốc có được sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước; chuẩn hóa nguồn nguyên liệu đầu vào; phát triển sản phẩm quốc gia đối với thuốc từ dược liệu; ưu tiên sử dụng thuốc từ dược liệu và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại với thuốc từ dược liệu.

Chúng tôi cũng đang mở rộng danh mục thuốc generic và danh mục thuốc phải đánh giá tương đương sinh học của thuốc. Đồng thời, sắp xếp nâng cao năng lực của hệ thống kiểm nghiệm thuốc và trung tâm đánh giá tương đương sinh học của thuốc. Tăng cường hiệu quả công tác thu hồi thuốc kém chất lượng và nâng chế tài xử phạt đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thuốc kém chất lượng phải thu hồi. Xây dựng cơ chế về đền bù cho tổ chức, cá nhân đã mua, sử dụng thuốc không bảo đảm chất lượng.

- Chúng ta có khoảng 2.000 doanh nghiệp tham gia vào việc phân phối thuốc, khiến giá thuốc bị mua bán lòng vòng, đẩy giá lên cao. Vậy việc quản lý giá thuốc tới đây được thực hiện như thế nào?

Bộ Y tế sẽ xây dựng 5 trung tâm phân phối thuốc tại miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ - Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ nhằm giảm bớt nhiều đầu mối trung gian phân phối, xóa bỏ tình trạng mua bán lòng vòng đẩy giá thuốc. Đồng thời, trong năm 2015, Bộ Y tế thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc và xây dựng các danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc đàm phán giá, danh mục thuốc trong nước đáp ứng đủ nhu cầu. Đặc biệt đối với các thuốc sản xuất trong nước được Bộ Y tế công bố đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp thì trong hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu không được chào thuốc nhập khẩu.

- Xin cảm ơn ông!

KHÁNH NGUYỄN thực hiện

Tin cùng chuyên mục