(SGGPO).- Chia sẻ với báo giới bên lề phiên họp Quốc hội sáng 29-3 về khát vọng “đưa TPHCM trở lại vị trí số 1”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nói: “Khi xây dựng cơ chế cho TPHCM, tôi cho rằng không chỉ là chuyện giữ lại bao nhiêu phần trăm ngân sách. Nếu chỉ đi theo hướng đó là thất bại. Phải có cơ chế làm sao để có được ngân sách nhiều hơn. Để tỷ lệ phần trăm phân chia ngân sách không đổi, nhưng con số tuyệt đối phải tăng lên. Như thế ngân sách trung ương cũng được nhiều hơn, mà ngân sách TP cũng có nhiều tiền hơn, có điều kiện tái đầu tư phát triển”.
Ảnh: Lã Anh
Tự tin về tiềm lực phát triển của TPHCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng “không có gì là không thể. Sức mạnh tinh thần, sức mạnh đoàn kết đóng vai trò quan trọng”.
Ông nhấn mạnh, mỗi địa phương có nét đặc thù khác nhau, nhưng cùng hướng đến một mục tiêu là phát triển nhanh hơn, phát huy hết lợi thế. Mặc dù vậy, khi đề cập đến cơ chế đặc khu, đồng chí Đinh La Thăng cho rằng, việc xây dựng cơ chế đặc khu là khó, vì có thể được cho thành phố nhưng khó cho cả nước. “Quan điểm của tôi là cần một cơ chế để thành phố phát triển, còn cần cái gì thì vẫn phải tiếp tục cân nhắc chín chắn; hiện vẫn còn quá sớm để công bố. Đây không phải là suy nghĩ của riêng tôi mà tôi đang nói trên cơ sở thực hiện nghị quyết 16 của Bộ Chính trị. Không phải ý tưởng mới mẻ gì của Bí thư Thành ủy cả. Tuy nhiên nghị quyết của Bộ Chính trị không nêu cụ thể yêu cầu đưa TPHCM trở lại vị trí số 1 mà chỉ là từng bước phấn đấu rút ngắn khoảng cách… Và khi thực hiện thì tôi cho rằng cần phải đặt mục tiêu khát vọng cao hơn. Ví dụ, Quốc hội giao chỉ tiêu ngân sách cho Chính phủ, Chính phủ giao cho địa phương. Và HĐND thường đề ra chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu đó. Và việc này cũng vậy, TPHCM muốn đặt mục tiêu cao hơn mục tiêu của Bộ Chính trị”.
Số 1 ở đây phải là tổng thể - đồng chí Đinh La Thăng giải thích thêm: “50 năm trước, ông Lý Quang Diệu nhìn về Sài Gòn và mơ ước Singapore sẽ được như Sài Gòn. Khi đó Singapore chỉ là một làng chài, nay họ là đô thị số 1 trong khu vực, cả về kinh tế và chất lượng sống. Tôi nói đưa TPHCM trở lại vị trí số 1 là phải số 1 trong tổng thể, toàn diện”.
Thừa nhận TPHCM còn rất nhiều vấn đề phải làm, từ an ninh trật tự, ùn tắc giao thông, triều cường, kẹt xe... Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng phải tập trung, mức độ một số việc sẽ làm có thể khác nhau, vì nguồn lực có hạn. Nhưng không có vấn đề nào bị bỏ qua, không làm – ông khẳng định.
Về ý kiến làm luật riêng cho TPHCM như Hà Nội đã có Luật Thủ đô, Bí thư Thành ủy TPHCM nói: “Cũng có thể xây dựng luật, nhưng nếu thế thì địa phương nào cũng bảo cần luật riêng. Vấn đề ở chỗ là cần thiết không? Luật hay quy chế nào đó phải phát huy được tất cả sức mạnh tiềm năng của TP, làm sao huy động được nguồn lực trí tuệ, vật chất, đất đai, vị trí địa lý hiện thực hóa những mục tiêu phát triển”.
ANH THƯ ghi
* TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Đặc khu phải có những thay đổi mạnh về thể chế
Tại hội nghị lần thứ 4 BCH Đảng bộ TPHCM khóa X, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, để phát triển đột phá, TPHCM phải trở thành một đặc khu kinh tế. Tôi cho rằng, cần phải coi cả vùng kinh tế trọng điểm, bao gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng thể chế đặc biệt. Có như vậy mới xây dựng được cơ chế cho cả vùng phát triển vượt trội lên, tạo thành một trung tâm phát triển cực lớn, tạo động lực kéo cả đất nước lên, trong một tầm nhìn hội nhập, cạnh tranh quốc tế gắn với sân bay Long Thành, gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải...
Trước đây, TPHCM mới đề xuất đặc khu ở 2 quận. Nhưng đồng chí Đinh La Thăng mới đảm nhận chức vụ Bí thư Thành ủy TPHCM, đề xuất cả thành phố là đặc khu kinh tế, là một bước tiến ghê gớm, một tầm nhìn vượt lên rồi. Tôi ủng hộ một tư duy rất mạnh như vậy. Đặc khu phải có những thay đổi mạnh về thể chế, chủ động về luật, điều hành, quản trị. Một vùng rộng lớn, có thể chế đặc biệt như vậy, không có nghĩa là phải có ưu tiên, ưu đãi gì nhiều vì cơ bản hiện nay, với các hiệp định thương mại, thuế đều hướng về 0%. Ưu đãi ở đây là về luật lệ, thể chế nó phải cao vượt lên với cả nước, tương đương với các nước phát triển, như Singapore. Bên cạnh đó, có những vùng ưu tiên kết nối, tập trung hạ tầng, tập trung đô thị để bứt hẳn lên, đặc biệt là kết nối giữa các vùng để nó lan tỏa. Hạ tầng giao thông phải thông suốt, nhất là phải ưu tiên kết nối quốc tế. Cách nhìn như vậy mới khác hẳn chứ không phải đặc khu cứ là phải ưu tiên miễn, giảm tiền thuế đất vài phần trăm, thủ tục giấy tờ bớt đi vài tiếng...
* TS TRẦN DU LỊCH, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM: TPHCM có thuận lợi hơn để tổ chức mô hình chính quyền đô thị
Với tư cách là một người tham gia từ khi xây dựng Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị năm 2002 và tham gia biên tập đề án Đổi mới chính quyền đô thị từ 2007, tôi cho rằng, hiện nay TPHCM có thuận lợi hơn để tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Thuận lợi từ đâu? Một là, theo Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị và sau này là Nghị quyết 16 có một đoạn rất quan trọng, nói rõ rằng “Vấn đề gì mà luật pháp chưa quy định, hoặc quy định không phù hợp thì đề nghị Chính phủ cho TPHCM làm thí điểm”. Thứ hai, Luật Chính quyền địa phương có điểm rất quan trọng là cho phép tổ chức thành phố trong thành phố. Trên tinh thần đó, tôi cho rằng, TPHCM có thể tiếp tục triển khai ngay đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Trong đề án mô hình đô thị trước đây có 4 nội dung chính, hiện có 3 nội dung tôi cho là “được”: Một là, cho phép TPHCM tổ chức các đô thị trực thuộc. Bốn thành phố Đông - Tây - Nam - Bắc mà trước đây chúng tôi làm quy hoạch đã định hướng rất rõ chức năng nhiệm vụ, để nâng tính tự chủ của các thành phố đó. Thay vì bây giờ chỉ có một TPHCM năng động thì sẽ có 4 thành phố cùng năng động, giảm tải cho chính quyền TPHCM hiện nay. Hai là, Luật Chính quyền địa phương cũng đưa ra 3 cơ chế là cơ chế phân quyền, phân cấp và cơ chế ủy quyền. Ba là, trong đề án, TPHCM tiếp tục nghiên cứu nâng trách nhiệm giám đốc các sở không chỉ còn là cơ quan tham mưu, cái gì dễ thì làm khó thì đẩy sang UBND. Với cơ chế như vậy sẽ không còn tạo áp lực họp hành ủy ban nữa, UBND chỉ giải quyết những vấn đề hoàn toàn vượt khỏi thẩm quyền các sở. Đồng thời, khi phân quyền cho các đơn vị trực thuộc thì các sở cũng bớt việc, chỉ cần đưa ra quy định và đi kiểm tra, giám sát thực thi mà thôi.
Còn nội dung thứ tư trong mô hình mà hiện nay còn vướng, là thành phố tổ chức cấp chính quyền có HĐND và cơ quan chính quyền không đầy đủ. Hiến pháp có mở ra nhưng luật lại không quy định vấn đề này. Tôi cho rằng đây không phải là vấn đề quá lớn. Có HĐND trong phường, nhưng chức năng đơn giản; còn những đơn vị trực thuộc như thị trấn thì tăng tự quản, tự chịu trách nhiệm. Trên tinh thần đó, TPHCM có thể tinh giản được bộ máy, nâng tinh thần trách nhiệm lên.
Theo tôi, trên tinh thần Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 16, rà lại tất cả các quy định hiện nay để thấy nếu phát triển mô hình như vậy thì đang vướng gì và từ đó trình Chính phủ làm. Tôi ủng hộ tinh thần tháo gỡ cơ chế để TPHCM có thể phát triển tương xứng với tầm vóc mà Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã đề ra. Với một người đứng đầu thành phố mà có một quyết tâm khởi động trở lại một chủ trương lớn trước đây, tôi nghĩ rằng có thể làm được.