Để trẻ khuyết tật biết nghe biết nói

Để trẻ khuyết tật biết nghe biết nói

Chăm sóc, dạy dỗ bằng tình thương, sự đồng cảm và trách nhiệm qua từng buổi học, từng bữa ăn, từng cử chỉ, hành vi dù nhỏ nhất nhằm giúp trẻ khuyết tật dạng đặc biệt hòa nhập cuộc sống bình thường, là mục tiêu cao đẹp mà Trường Giáo dục chuyên biệt Hy Vọng Gò Vấp (TPHCM) luôn hướng tới hơn 20 năm qua.

Các cháu thiểu năng Trường Giáo dục chuyên biệt Hy Vọng Gò Vấp trong giờ học.

Các cháu thiểu năng Trường Giáo dục chuyên biệt Hy Vọng Gò Vấp trong giờ học.

Buổi học hôm ấy tại lớp học đặc biệt có tên gọi “can thiệp sớm”, chỉ có cô giáo Trần Thị Vân và một bé gái xinh xắn tên Vương Diễm (6 tuổi) với chiếc máy trợ thính gắn chặt 2 tai cùng mẹ bé là chị Huỳnh Thị Hồng Nhung. Chị Nhung cho hay, bé Diễm không may bị khiếm thính từ năm 2 tuổi. Ngồi đối diện cô giáo, bé Diễm ngoan ngoãn làm theo một cách thuần thục động tác của cô giáo như đọc rõ từng nguyên âm a, b, c kéo dài, nhìn hình ảnh con vật, quang cảnh và mô tả lại bằng giọng nói. Những câu hỏi đáp về ba, mẹ và gia đình, những trò chơi yêu thích đều được cô gái nhỏ tuần tự trả lời tuy chậm và ngọng nghịu nhưng đều đúng với nội dung cô giáo nêu ra…

Đôi phút giải lao, cô Vân cho biết những ngày đầu đến đây học, bé Diễm rất thụ động và đều phải có mẹ bên cạnh. Rồi với tình thương và sự kiên trì, cô Vân dần dần tiếp cận bé Diễm bằng những trò chơi, hình ảnh, bài hát mà có lúc do chính cô phải “độc diễn”, không chỉ để tạo cảm xúc mà là cơ sở để khơi dậy khả năng phát âm cho cô bé khiếm thính này. Chị Hồng Nhung tâm sự: “Lúc cháu nhận biết được sự vật, nói bập bẹ vài câu, vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt. Tôi cảm phục sự tận tụy bất chấp những khó khăn gần như không thể vượt qua của các cô giáo ở đây, đặc biệt là cô Vân”.

Nói về chuyện nuôi dạy trẻ bị khuyết tật dạng đặc biệt, cô Vân cho rằng, người giáo viên ngoài kỹ năng, kinh nghiệm sống, sự am hiểu về trẻ thì điều cốt yếu là phải có tình thương và sự kiên trì, nhẫn nại. Không chỉ riêng trường hợp bé Diễm, suốt quá trình dạy ở đây, rất nhiều cháu bị khuyết tật nặng như bệnh down, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ đã từng bước vượt qua nhờ thầy và trò nỗ lực thực hiện theo phương pháp “cô học theo trò, trò học theo cô”. Chuyện dạy đã khó, chuyện giúp trẻ thực hiện các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, đặc biệt là ăn uống càng khó hơn, một bữa ăn có khi mất hơn 2 giờ. “Cho các cháu ăn xong, các cô bảo mẫu ai nấy đều mướt mồ hôi nhưng vui và yên tâm vì các cháu đã no bụng”, cô Vân bày tỏ.

Trường giáo dục chuyên biệt Hy Vọng Gò Vấp (trước là Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Hy Vọng, thành lập từ tháng 8-1990) có 23 giáo viên và nhân viên, tất cả giáo viên đều có trình độ đại học, cao đẳng và trung học sư phạm chuyên ngành giáo dục đặc biệt, hiện nhận nuôi dạy và chăm sóc 170 trẻ là con gia đình nghèo, mồ côi, trẻ bị bỏ rơi... với các dạng tật như khiếm thính, khiếm thị, bại não, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ... Ngoài cơ sở tại số 93 đường Nguyễn Oanh (phường 17, quận Gò Vấp), năm 2008, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, trường đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng thêm 1 cơ sở giảng dạy mới khang trang, tiện nghi với đầy đủ các phòng chức năng, các trang thiết bị dạy học tại phường 15 quận Gò Vấp với tổng vốn đầu tư 5 tỷ đồng.

Chia sẻ thêm chuyện nuôi dạy trẻ khuyết tật, cô Lương Thị Mỹ Thủy, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Biện pháp hữu hiệu để giúp trẻ có thể vượt qua khiếm khuyết chính là sự can thiệp sớm ngay từ khi trẻ có các biểu hiện lạ. Tôi mong xã hội có các biện pháp tuyên truyền về việc phát hiện các dạng khuyết tật đặc biệt ở trẻ ngay từ ban đầu để các bậc cha mẹ nhận thức ra tầm quan trọng của việc đưa trẻ đi thực hiện can thiệp sớm, tránh những vấn đề đáng tiếc làm ảnh hưởng đến tương lai sau này của trẻ. Bởi khi trẻ càng lớn, tình trạng khuyết tật càng nặng và rất khó trong việc nuôi dạy”.

MAI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục