Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng

Để tự phê bình và phê bình thật sự là vũ khí sắc bén

LTS:

LTS: Ngày 17-5 tại TPHCM, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo khoa học bàn về những giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Với 48 bài phát biểu tham luận, hội thảo tập trung đánh giá, phân tích, làm rõ và cụ thể hóa 4 nhóm giải pháp thực hiện mà Nghị quyết Trung ương 4 đề ra. Đó là nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên; về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; về cơ chế, chính sách; về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Để giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao thêm nhận thức, từ đó quyết tâm và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Báo SGGP trích đăng một số bài tham luận tiêu biểu tại hội thảo này.

Về Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tôi xin phát biểu đôi điều về vấn đề tự phê bình và phê bình, vấn đề được đặt vào nhóm giải pháp hàng đầu trong 4 nhóm giải pháp được nêu.

Trước nay, Đảng ta thường nói: Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng; là vũ khí sắc bén để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nay trong Nghị quyết Trung ương 4, tự phê bình và phê bình được xếp vào hàng các giải pháp. Vậy có điều gì thay đổi hay mâu thuẫn chăng? Thật ra là không. Không có gì mâu thuẫn cả về lý luận lẫn thực tiễn. Nói tự phê bình và phê bình là quy luật hay nguyên tắc là nói đến sự vận động nội tại của Đảng cách mạng, với tư cách là một cơ thể sống, một thực thể chính trị xã hội đặc thù. Còn nói tự phê bình và phê bình là phương pháp (hay giải pháp) trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nói đến cách thức tổ chức hành động xuất phát từ quy luật, nguyên tắc và nhằm đáp ứng cho được đòi hỏi của thực tiễn.

Về mục đích yêu cầu và nội dung của tự phê bình và phê bình, theo tôi, nội dung kiểm điểm không đặt ra quá rộng, quá nhiều mà tập trung vào ba điểm chính: (1) Về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên, của người đứng đầu về tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái. (2) Những hạn chế yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là trong quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí cán bộ, tình trạng một số trường hợp bố trí cán bộ không đúng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, quản lý, sự phát triển của ngành, địa phương. (3) Những hạn chế khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là của người đứng đầu. Trong ba nội dung này, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

Về mối quan hệ nội tại của tự phê bình và phê bình, tôi cho rằng, tự phê bình và phê bình là hai mặt của cùng một vấn đề chứ không phải là hai vấn đề khác nhau. Phê bình là kiểm điểm người khác, còn tự phê bình là mình tự kiểm điểm mình. Tự phê bình thể hiện tính tự giác và tinh thần trách nhiệm của chủ thể. Nhưng tự phê bình cũng có mặt hạn chế khi chủ thể có sự chủ quan: sai tưởng đúng, xấu tưởng tốt, trái tưởng phải. Vì vậy cần phải có phê bình. Phê bình là chỉ ra khuyết điểm (hay ưu điểm) của chủ thể tự kiểm điểm. Phê bình đúng sẽ giúp cho người mắc sai lầm sửa chữa. Người phê bình thường có thái độ khách quan hơn người tự phê bình.

Về mặt này, phê bình có ý nghĩa rất quan trọng, có khi quan trọng hơn tự phê bình. Đây là nói tự phê bình và phê bình lành mạnh, trong tinh thần xây dựng. Nếu làm trái lại, thì đó là phản tự phê bình và phê bình, là làm cho tự phê bình và phê bình bị biến dạng đi. Những biểu hiện thường thấy là: Nể nang, xuê xoa, né tránh, không dám nói thẳng, nói thật… Lợi dụng tự phê bình và phê bình để đề cao cá nhân, che giấu khuyết điểm cho nhau, vuốt ve ca tụng lẫn nhau; hoặc ngược lại, bới móc và đả kích nhau, biến những cuộc họp kiểm điểm thành nơi đấu đá và hạ bệ nhau.

Về trình tự kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Trung ương quy định rằng việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này phải được tiến hành ở tất cả các cấp và theo trình tự từ trên xuống, cấp trên trước, cấp dưới sau, tập thể trước, cá nhân sau; cấp trên, nhất là những người đứng đầu, phải làm gương cho cấp dưới và cho tập thể của mình.

Với trình tự nêu trên, trách nhiệm và tinh thần gương mẫu của cấp trên và của người đứng đầu có tác động rất quyết định đến kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của cấp dưới và của các cá nhân cùng cấp. Cấp trên làm tốt, cấp dưới tất sẽ noi theo. Cấp trên làm không tốt, thì không có lý gì để đòi hỏi cấp dưới làm tốt. Về mối quan hệ giữa kiểm điểm tự phê bình và phê bình với xử lý kỷ luật, yêu cầu đặt ra là việc tổ chức kiểm điểm phải thật sự dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, đúng với yêu cầu và nội dung đề ra.

Nhưng nếu làm không đúng thì xử lý thế nào? Có ba loại trường hợp: (1) Cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên nào kiểm điểm không đạt yêu cầu thì phải kiểm điểm lại. (2) Cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ đảng viên nào không tự giác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, không tự nhận sai lầm, khuyết điểm, không khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm đã được nêu ra thì phải kiên quyết xử lý kỷ luật. (3) Những trường hợp có vi phạm, tự giác kiểm điểm, tự phê bình nghiêm túc, tích cực sửa chữa, khắc phục sẽ được xem xét giảm hoặc miễn xử lý kỷ luật. Đó là nói xử lý trong phạm vi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Còn xử lý như thế nào, theo kỷ luật của Đảng hay kỷ luật của Nhà nước là tuy thuộc vào tính chất và mức độ của các sai phạm. Việc thi hành kỷ luật trong Đảng hoàn toàn không thay thế cho việc xử lý theo pháp luật. Có những trường hợp chỉ cần thi hành kỷ luật trong Đảng là đủ. Nhưng có những trường hợp sai phạm nghiêm trọng, gây tổn hại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân, vi phạm pháp luật rõ ràng phải truy tố trước pháp luật và chịu sự phán xử nghiêm minh của pháp luật…

HÀ ĐĂNG
Nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản

Tin cùng chuyên mục