Sau khi Báo SGGP ngày 17-10 đăng bài viết “Nhu cầu giải trí của học sinh - Bao giờ thỏa ước mơ”, rất nhiều ý kiến đồng tình về việc ngành giáo dục TPHCM, chính quyền địa phương phải quan tâm, tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích cho học sinh các cấp. Sau đây là một số ý kiến của hiệu trưởng, cán bộ phụ trách thanh niên và học sinh.
- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến Q10 Nguyễn Xuân Thảo: Tinh thần khỏe, trí óc mới minh mẫn
Từng đi tham quan tìm hiểu môi trường giáo dục tiên tiến của một số nước trong khu vực và trên thế giới, tôi nhận thấy họ đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục thể chất, tinh thần cho học sinh. Nhìn thấy học sinh các nước có nền giáo dục tiên tiến trang bị cơ sở vật chất hiện đại cho học sinh tham gia rèn luyện thể chất, thỏa thích chơi những môn năng khiếu, sở thích, chúng tôi, những hiệu trưởng có mặt, đều có chung câu hỏi: “Biết đến bao giờ học trò của mình được học và chơi hết mình như vậy?”. Đúng là chúng ta đang chú trọng đến trí tuệ, bắt các em học quá nhiều kiến thức nhưng lại ít quan tâm đến thể lực, tinh thần. Thực tế đã chứng minh rằng khi cơ thể không khỏe mạnh, tinh thần không sảng khoái làm sao giữ được cái đầu khỏe, cứng cáp để nạp kiến thức.
Vì thế trong điều kiện còn hạn hẹp, Trường THPT Nguyễn Khuyến luôn tạo mọi điều kiện để học sinh được thể hiện bản thân, làm những gì các em muốn. Trong chương trình Rung chuông vàng mới đây, tiết mục “múa ngựa” của học sinh trường nhà đã gây ấn tượng bởi nhảy đẹp. Không chỉ thoải mái trong giờ ra chơi, mỗi tiết học tiết thể dục, nhà trường khuyến khích lồng ghép thêm loại hình sinh hoạt bổ ích như nhảy theo nhạc để tạo hứng khởi cho học sinh.
Tuy nhiên, do môi trường học đường - cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn, thiếu phòng học, phòng chức năng nên chúng tôi chưa thể tạo môi trường học đường tốt, đáp ứng nhu cầu đa dạng phong phú của học sinh về rèn luyện thể chất, vui chơi giải trí đúng nghĩa. Để tinh thần, thể chất của học sinh khỏe mạnh, ngoài giờ học ở trường, phụ huynh cần khuyến khích con em mình quan tâm đến thể dục thể thao, vui chơi giải trí thay vì chỉ bắt ép con mình chú tâm chuyện học, nhồi nhét kiến thức không có điểm dừng.
- Bí thư Đoàn Trường THPT Trưng Vương Thu Phương: Tập hợp thanh niên bằng loại hình sinh hoạt hấp dẫn
Các bạn học sinh THPT luôn thích những loại hình vui chơi mới lạ, hấp dẫn. Thế nhưng, mô hình tập hợp đoàn viên, thanh niên của đoàn trường chưa đáp ứng nhiều. Đúng là học sinh trường nào cũng thích tham gia các loại hình múa dân vũ, nhảy Flashmob hoặc các điệu nhảy mới. Được thể hiện sở thích, được hòa mình vào những điệu nhảy tập thể học sinh sẽ gắn kết với nhau hơn và học tốt hơn.
Trong đại hội đoàn trường lần này, chúng em sẽ đề nghị nhà trường tạo thêm điều kiện để đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia những loại hình vui chơi giải trí tập thể. Áp lực học tập đối với học sinh các lớp cuối cấp THPT luôn đè nặng, vì thế chúng em rất muốn có sân chơi bổ ích và có thêm thời gian nghỉ ngơi để xả stress.
- Trợ lý thanh niên Trường THPT Lương Thế Vinh Lê Minh Tân: Ước mơ có trung tâm rèn luyện kỹ năng học sinh
Hiện nay học sinh, thanh niên vẫn xem chuyện học là chính và chưa quan tâm đến việc trau dồi, rèn kỹ năng sống, cũng như rèn luyện thể chất, tinh thần. Riêng ở địa bàn quận 1, sân chơi (sân trường, điểm vui chơi giải trí) dành cho học sinh, thanh niên nhìn chung con thiếu, hình thức chưa đa dạng, phong phú, chưa bắt kịp thị hiếu, tâm lý của giới trẻ. Tuy là trung tâm văn hóa xã hội của TP với nhiều điểm vui chơi giải trí nhưng học sinh nhiều trường đóng trên địa bàn quận 1 chưa được tiếp cận, thụ hưởng bao nhiêu. Thực tế cho thấy nhu cầu vui chơi tập thể (múa, nhảy, ca hát…) của học sinh rất lớn nhưng tổ chức ở sân trường thì rất ít trường có sân đủ rộng, còn thuê sân bãi thì quá đắt đỏ.
Vì thế, lãnh đạo quận 1 cần quan tâm chỉ đạo các trung tâm văn hóa, vui chơi giải trí, rèn luyện kỹ năng sống… phối hợp, hỗ trợ các trường học tổ chức sân chơi, rèn kỹ năng sống cho các em với mức phí ưu đãi. Chúng tôi ước mơ quận 1 sớm đầu tư xây dựng một trung tâm rèn luyện kỹ năng, vui chơi giải trí hiện đại dành cho tất cả học sinh quận 1. Có như thế học sinh mới có chỗ để xả stress sau giờ học hoặc cuối tuần và mục tiêu đổi mới giáo dục toàn diện mới đạt hiệu quả thiết thực.
Khánh Hà ghi