Để vùng trũng hết thiệt thòi

Đến thời điểm hiện tại, so với cả nước, ĐBSCL vẫn là vùng trũng về giáo dục và y tế, khoa học công nghệ; một số chỉ tiêu còn thấp hơn cả Tây Nguyên. Điều này nghe qua có vẻ nghịch lý, bởi ít ai nghĩ rằng vùng đất được mệnh danh là “bát cơm châu Á”, mỏ tôm, mỏ cá của cả nước lại thiệt thòi như vậy, nhưng đó lại là sự thật.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, cứ 1 vạn dân của ĐBSCL có 71,5 sinh viên ĐH, CĐ, thấp nhất so với các vùng trong cả nước. Hiện tại chỉ có Cà Mau và Cần Thơ đạt số lượng 7 bác sĩ trên 1 vạn dân theo quy định của Bộ Y tế. Còn lại, Sóc Trăng là tỉnh có tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân thấp nhất (3,89), kế đến là An Giang (4,56), Tiền Giang (4,86)... Ở bậc học mầm non, toàn vùng hiện còn 140 xã chưa có trường mầm non độc lập. Trong 6 tháng đầu năm 2013, chưa có tỉnh nào của ĐBSCL được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Ở cấp học phổ thông, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường chưa đồng bộ, thiếu phòng học chuyên môn, phòng học chức năng; thiếu đất xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch; thiếu nhà công vụ cho giáo viên… Ở bậc đại học, giai đoạn 2008 - 2012, Trường ĐH Cần Thơ được phân bổ đầu tư 1.162 tỷ đồng, nhưng thực chất trường này chỉ nhận được 176,5 tỷ đồng (dưới 15%), phần còn lại nhà trường… tự lo. Hay như Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, phân bổ chỉ tiêu đào tạo chỉ có 28 tỷ đồng cho 4.000 sinh viên (trung bình 6 triệu đồng/sinh viên/năm) nhưng nhà trường có đến 8.000 sinh viên, cho nên chi phí đào tạo như vậy khó có chất lượng.

Ngay từ thập niên 1990, nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển giáo dục, y tế, khoa học công nghệ ĐBSCL song song với phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này. Cùng với nỗ lực của các địa phương, giáo dục, y tế ĐBSCL đã có nhiều thay đổi nhưng chưa đạt yêu cầu so với đòi hỏi của cuộc sống. Nhiều chuyên gia cho rằng ngoài những nguyên nhân khách quan, còn có một nguyên nhân mấu chốt là nhận thức của một bộ phận dân cư về phát triển giáo dục còn hạn chế. Có những gia đình, các bậc cha mẹ chưa coi trọng con chữ, chưa mặn mà việc đưa con em đến trường. Tăng ngân sách đầu tư là một ưu thế nhưng nguồn lực không phải là vô tận. Để tránh lãng phí và mang lại hiệu quả cao, ngoài việc tuyên truyền, vận động cần có chính sách thiết thực về khuyến học, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc học là việc làm phải liên tục, bền bỉ, dài lâu.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần xem lại việc sử dụng nguồn lực trí thức trong quá trình phát triển, nhất là việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ngoài ĐH Cần Thơ và ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐBSCL còn có Viện Lúa, Viện Nghiên cứu cây ăn quả, 11 trường ĐH khác và không ít cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu với số lượng trí thức không hề nhỏ. Nguồn lực này nếu được sử dụng hợp lý sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển của vùng.

Chỉ tính riêng Trường ĐH Cần Thơ, đội ngũ trí thức gồm 5 giáo sư, 65 phó giáo sư, 243 tiến sĩ, 216 giảng viên chính. Trong 10 năm qua, trường đã thực hiện 1.545 đề tài các cấp, trong đó có 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, 645 đề tài cấp bộ và đề tài hợp tác với địa phương. Các đề tài nghiên cứu của trường đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho ĐBSCL. Rõ ràng, tiềm năng nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất của đội ngũ trí thức ở ĐBSCL còn rất lớn. Thế nhưng, nhiều đề tài quan trọng liên quan sát sườn đến kinh tế - xã hội của vùng vẫn chưa được đánh giá đúng mức để có thể ứng dụng vào thực tiễn của cuộc sống. Cách nay 5 năm, các nhà khoa học của Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam, Trường ĐH Cần Thơ đã đề xuất một đề án tổng thể liên kết vùng với 5 dự án kết nối, phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trái cây, tôm, cá tra; đào tạo nghề cho nông dân và cơ chế, chính sách kèm theo. Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã nhiều lần làm việc với các bộ ngành trung ương, các địa phương xác định quy hoạch sản xuất và thị trường cụ thể các dòng sản phẩm chủ lực. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, thống nhất chủ trương giao Bộ NN-PTNT trình thủ tục. Thế nhưng, đến nay đề án vẫn chưa đâu vào đâu!

Phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 mũi đột phá chiến lược. Để ĐBSCL thoát vùng trũng, cần phải tập trung các giải pháp tăng tốc cho giáo dục, y tế, khoa học công nghệ. Có như vậy những người nông dân ở vùng xuất khẩu gạo, cá tra, trái cây nhất nhì thế giới mới có thể thoát khỏi cảnh phải chịu thiệt thòi bấy lâu nay so với các vùng khác.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục