Đề xuất ban hành gói hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, người lao động ở khu công nghiệp

Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội tại phiên họp sáng nay 20-10, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh đề nghị ban hành gói hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, người lao động ở khu công nghiệp với các cơ chế phù hợp, hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Ủy ban Xã hội, tác động của đại dịch về sức khỏe, thể chất và tinh thần, tâm lý xã hội là rất lớn nhưng chưa được đánh giá đầy đủ; việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế.

Gần 2.100 trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19

Theo báo cáo của địa phương, có 2.093 trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19 (riêng TPHCM đã có hơn 1.500 trẻ em mồ côi). Việc này có thể gây ra những tác động lâu dài như khó khăn về vật chất, khủng hoảng về tinh thần, gián đoạn về học tập, nguy cơ cao về bị bạo lực, xâm hại... ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện, đảm bảo an sinh của trẻ em.

Việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động còn nhiều khó khăn. Có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng “mắc kẹt” tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách ở đô thị lớn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành các kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh, một số loại hình tội phạm, tệ nạn xã hội (như trộm cắp, đua xe, tai nạn giao thông…) giảm đáng kể, song vẫn có một số vấn đề cần quan tâm như tội phạm, tệ nạn mới hoặc đã có từ trước nhưng diễn biến phức tạp hơn như lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.

Việc triển khai hình thức học trực tuyến còn một số khó khăn, bất cập cả từ phía nhà trường, giáo viên, học sinh và gia đình; chất lượng khó đảm bảo, đồng thời gây ra một số hệ lụy không tốt cho trẻ em. Dịch Covid-19 còn có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực sau này khi mà sinh viên các trường đại học, cao đẳng phải học trực tuyến, hạn chế việc thực hành nghề, giảm tính thực tế, thực tiễn, kỹ năng mềm...

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ đưa ra nhiều quyết sách

Trên cơ sở đánh giá tình hình, Ủy ban Xã hội kiến nghị Quốc hội ngay tại kỳ họp này, xem xét, đưa vào nghị quyết kỳ họp hoặc nghị quyết về kinh tế - xã hội nội dung giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ như đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế, bảo đảm nguồn lực để thực hiện việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 an toàn, khoa học, hiệu quả cho nhân dân; điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng, đặc biệt nhóm đối tuợng do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ mức đóng hoặc hỗ trợ mức đóng.

Đặc biệt, cần nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành gói hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, người lao động ở khu công nghiệp với các cơ chế phù hợp, hiệu quả...

Trong số các kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban lưu ý cần khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và kế hoạch hành động thực hiện chiến lược này; nghiên cứu, tăng cường dự báo xu hướng Covid-19; chỉ đạo bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, cần có biện pháp để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân, đơn vị có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đánh giá hiệu quả của các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để có giải pháp trong những năm tiếp theo; tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương; kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn bảo đảm công bằng, không để sót, lọt đối tượng, không để người dân thiếu đói...

Đối với chính quyền địa phương, Ủy ban nhấn mạnh yêu cầu rà soát, đánh giá việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo có tính chất quy phạm trong phòng, chống dịch tại địa phương.

Đồng thời, bảo đảm tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương, dành tối thiểu 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, ưu tiên phân bổ cho trạm y tế xã theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội; bố trí ngân sách địa phương, các nguồn tài chính của các Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cho các trạm y tế xã; sử dụng phần kinh phí cắt giảm từ chi lương cho cán bộ y tế để tái đầu tư cho ngành y tế…

Tin cùng chuyên mục