(SGGPO).- Hội thảo “Tái cơ cấu đầu tư công gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh” vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 24-11.
Nhận định tiến trình tái cơ cấu đầu tư công còn chậm chạp, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm xuống dưới 40% từ năm 2007 đến 2012, song lại quay về mức trên dưới 40% năm 2013-2014. Trong suốt giai đoạn 1995-2012, tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) trong tổng vốn đầu tư công liên tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với trên 40%. Tuy nhiên, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN đã giảm mạnh xuống dưới 20% từ năm 2014 và có thể cả trong năm 2015 do phải ưu tiên chi thường xuyên và chi trả nợ.
Đặc điểm nổi bật cơ cấu đầu tư công theo ngành giai đoạn 2000-2013 là tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng công trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đầu tư cao vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp và xuất hiện xu thế phân tán đầu tư công sang nhiều lĩnh vực khác. Chuyển dịch cơ cấu đầu tư công không rõ ràng và không phản ánh sự thay đổi nào thật sự về vai trò của Nhà nước nói chung và đầu tư công nói riêng trong phát triển… “Tái cơ cấu đầu tư công không gắn với thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Sau 5 năm mà đổi mới thể chế hầu như vẫn dậm chân tại chỗ và ước mong “Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển” vẫn chưa thành hiện thực”, ông Vũ Đình Ánh thẳng thắn nhận xét.
Đáng lưu ý, nhiều ý kiến tại hội thảo chỉ ra rằng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế diễn ra chậm chạp có nguyên nhân cốt lõi từ tư duy và lợi ích của chính những người trong cuộc.
Các chuyên gia đều thống nhất nhận định, với trọng trách dẫn dắt sự phát triển của đất nước, nhà nước cần dũng cảm thay đổi vai trò của mình, tập trung thực hiện vai trò kiến tạo sự phát triển, nhường lại cho thị trường và xã hội vai trò đầu tư thương mại và sẵn sàng để xã hội chung tay thực hiện một phần các dự án phục vụ mục đích công cộng - như hầu hết các nước trên thế giới đã và đang làm.
Một số khuyến nghị cụ thể được đưa ra tại hội thảo bao gồm giảm quy mô đầu tư công về mức 10% GDP cho phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế, thâm hụt NSNN và nợ công, trên cơ sở đó thực hiện cơ cấu lại đầu tư công theo ngành trên nguyên tắc đầu tư công chỉ dành cho những ngành, những lĩnh vực mà đầu tư tư nhân không muốn hay không thể đầu tư. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư công theo trật tự cơ sở hạ tầng công (giao thông, điện, nước) và dịch vụ công (giáo dục, y tế, khoa học công nghệ), đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất đầu tư công vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp (công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng, xây dựng, kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú, tài chính tín dụng, bảo hiểm…).
Cơ cấu lại đầu tư công cũng cần gắn kết với cơ cấu lại, đổi mới sắp xếp khu vực DNNN theo hướng giảm tỷ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước trong các ngành sản xuất kinh doanh trực tiếp.
Bên cạnh đó, cơ cấu lại đầu tư công phải liên hệ mật thiết với quá trình cải cách hành chính, xã hội hoá và thị trường hoá trong các lĩnh vực dịch vụ công như giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, một số dịch vụ quản lý hành chính, văn hoá, thể thao...
Đặc biệt, một nguyên tắc quan trọng cần quán triệt trong tiến trình tái cơ cấu đầu tư công là đa dạng hóa các nguồn lực tài chính phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội.
ANH PHƯƠNG