Trước 1975 và nhiều năm trước đó, chưa bao giờ thành phố bị ngập, nay thì ngập thường xuyên, kể cả trong mùa khô. Nhiều cuộc hội thảo khoa học được tổ chức và đã xác định là do 3 nguồn nước thừa, nước triều từ biển Đông tràn vào, nước mưa và nước xả lũ từ hồ Dầu Tiếng, trong đó nước triều là quyết định nhất.
Trước 1975, nhờ dọc sông Sài Gòn còn nhiều chỗ trũng, nên mỗi ngày, theo chế độ bán nhật triều, khi triều cao, một khối lượng rất lớn nước triều tạm chảy vào các chỗ trũng khi triều hạ thì rút hết ra biển. Đến nay, theo quy hoạch cải tạo và mở rộng thành phố, quá nhiều chỗ trũng đã bị san lấp, nên nước triều sông Sài Gòn bị ép phải dềnh lên cao dần, rồi tràn bờ gây ngập úng là đương nhiên. Cho nên muốn chống được ngập chỉ có cách là hạ dần đỉnh triều từ mức +1,56m đang gây ngập úng tràn lan như hiện nay xuống còn khoảng ± 1m như 1975.
May mà nước triều từ biển Đông tràn vào chỉ do 2 con sông Lòng Tàu và Soài Rạp, tràn vào đến Nhà Bè thì nhập một, tràn vào một đoạn sông rồi chia đôi chảy vào sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Nếu muốn nước không tràn vào thành phố thì chỉ cần đắp lên một con đập ngang sông Nhà Bè thôi. Từ ý tưởng đắp đập, tôi nảy sinh ý muốn đắp luôn một con đường bộ vượt sông Nhà Bè để kết nối cụm cảng Hiệp Phước với thành phố Nhơn Trạch và sau đó là các xí nghiệp xuất nhập khẩu của tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu là tiện lợi hơn nhiều. Nhưng làm đường ngăn triều thế nào để vẫn duy trì được nếp kinh doanh giao thông hàng hải, vận tải thủy nội bộ, du lịch đường sông và đường biển?
Theo tôi, ta có thể làm một con đường vượt sông Nhà Bè theo như bản vẽ chi tiết đính kèm, gồm đủ 5 hạng mục công trình có đánh dấu từ số 1 đến số 5 trong hình vẽ thì sẽ đạt yêu cầu chống ngập mà vẫn đảm bảo sông Sài Gòn giữ mãi được nước sâu lâu dài từ 8 - 9m. Tuy nước sông Sài Gòn chảy một chiều ra biển nhưng không có lúc nào cạn kiệt, do từ thượng nguồn có nhiều nơi cấp nước liên tục.
Từ phía Bắc và Đông Bắc có suối Bà Chim trên đất tỉnh Bình Dương luôn luôn đưa nước về, rồi hồ Dầu Tiếng luôn cấp nước qua hai kênh Tây và Đông. Kênh Tây dùng cho tỉnh Tây Ninh, kênh Đông dùng cho TPHCM. Phía Tây và Tây Bắc sông Vàm Cỏ Đông có nhiều chi lưu ăn sâu vào huyện Bình Chánh, TPHCM nên con sông Sài Gòn vẫn làm tròn nhiệm vụ như xưa nay. Để làm con đường mới này, cách làm đơn giản là đóng cọc sâu hai bên đường, chắn đất rồi đặt hai cống thoát nước sâu dưới đáy sông.
Nếu thành phố quyết tâm chống ngập, theo tôi, nên tập trung mọi nguồn lực thực thi dự án trên, không nên dàn trải quá nhiều giải pháp như xưa nay, mà chưa thấy nơi nào thành công.
HUỲNH KIM TRƯƠNG
(Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế tổng hợp miền Nam)
Hình vẽ
Một con đường bộ vượt sông Nhà Bè với một đoạn cầu ngắn bắc qua giữa sông có cửa đóng mở để điều tiết nước triều, kết hợp làm “âu thuyền”, vừa chống ngập cho thành phố, vừa phát triển kinh tế giao thông thủy bộ.
Ghi chú:
1- Đường ô tô vượt sông Nhà Bè, rộng 30m, có lan can bảo vệ, 2 đường 1m đi bộ hai bên.
2- Khoảng cách rộng 40m, có gắn 2 cánh cửa thép, khép chồng mi, có thể kéo hai bên, để điều tiết nước triều, chống ngập, kết hợp làm “âu thuyền” để thu phí tàu thuyền ra vào.
3- Một cầu thép rộng 30m, dài 50m, gắn bảng lề ngang ở một đầu còn đầu kia khi hạ xuống phủ vào bờ sâu 5m, cầu thép cần phải có dư lan can bảo vệ, dải phân cấp, hai đường thủy bộ.
4- Cách nâng mở cầu để mở cửa âu thuyền, phải có một dây cáp mềm bằng thép không gỉ, gắn một đầu vào giữa cầu, còn cầu kia thông qua một con lăn hình trục, đặt trên đầu một trụ treo cứng để nối với đầu một chiếc ô tô đầu kéo, chuẩn bị sẵn, nằm dọc theo dải phân cách đường bộ, sẵn sàng chạy lui để kéo cầu đựng dậy 90 độ, rồi chạy tới là hạ cầu xuống như cũ.
5- Đặt trước 2 cống thoát nước gần sát đáy sông, có 2 nắp đậy, gắn chặt từ phía trên để hở phía chỉ để cho nước từ thành phố từ dòng chảy ra biển, mà không chảy ngược lại.