Đề xuất quy định thiếu tính khả thi

Bộ Y tế đang dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia với một số quy định cấm đến mức khó thực thi. Hiện đang có bất cập, tính khả thi lại là vấn đề ít được quan tâm trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta. Đó là nguyên do khiến rất nhiều văn bản pháp luật ra đời với mục tiêu tốt đẹp, câu từ rôm rả, nhưng không thể nào áp vào cuộc sống được.

Bộ Y tế đang dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia với một số quy định cấm đến mức khó thực thi. Hiện đang có bất cập, tính khả thi lại là vấn đề ít được quan tâm trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta. Đó là nguyên do khiến rất nhiều văn bản pháp luật ra đời với mục tiêu tốt đẹp, câu từ rôm rả, nhưng không thể nào áp vào cuộc sống được.

Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá là một điển hình. Luật ra đời đã lâu nhưng rất nhiều người hút thuốc lá ở nơi công cộng, làm ảnh hưởng sức khỏe người khác mà đến giờ chẳng có lực lượng chức năng nào xử lý. Trong khi, đến 85% thuốc lá tiêu thụ trong nước là thuốc lá lậu - vấn đề bức xúc này không được giải quyết, đã vậy buôn lậu ngày càng tăng.

Quay lại với dự thảo cấm bán rượu bia sau 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng và trong thời gian nghỉ giữa các ca trong giờ làm việc, đề xuất này bị phản ứng vì ngoài việc yếu về cơ sở pháp lý còn thiếu tính khả thi. Khỏi phải bàn, mục đích của quy định cấm này cũng nhằm hướng tới những điều tốt đẹp, vì lợi ích sức khỏe người dân. Thống kê cho thấy những con số khủng khiếp: Việt Nam đang là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á; 90% đàn ông uống rượu bia, và 1/4 trong số đó uống đến mức độ có hại; đáng ngại hơn, có đến 4,4% người dân phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu bia… Do vậy, việc hạn chế tác hại của rượu bia là cấp bách. Thế nhưng, bằng giải pháp “quản không được thì cấm” thể hiện sự khiên cưỡng vô lý của nhà quản lý. Hơn nữa, với quy định cấm sau 10 giờ đêm thì chỉ gây khó cho “người ngay”, còn người muốn “lách luật” thì vẫn lách được. Chỉ cần mua trước 10 giờ tối rồi ngồi uống đến sáng, hoặc tụ tập uống tại nhà… Với quy định người bán chỉ được bán rượu bia cho 1 người uống tại chỗ với hàm lượng tối đa không quá 1 đơn vị rượu/giờ với nam và 1/2 đơn vị/giờ với nữ (1 đơn vị rượu là khoảng 2/3 chai bia 500ml hoặc 1 lon bia 330ml, 1 chén 30ml rượu mạnh 40 - 43%) càng không khả thi. Bởi đơn vị kinh doanh ai cũng muốn bán được nhiều hàng hóa để kiếm nhiều lợi nhuận, vậy ai sẽ là người kiểm tra xử phạt nếu hai bên cùng hợp tác vi phạm?

Theo trả lời của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế - đơn vị dự thảo luật này - thì sở dĩ đưa vào dự thảo quy định cấm như vậy là vì sử dụng rượu, bia trong khoảng thời gian sau 10 giờ đêm dễ dẫn tới tình trạng gây mất trật tự an ninh xã hội, vi phạm nếp sống văn minh nơi công cộng. Thế nhưng, các quy định hiện nay gần như bao trùm gần hết: nếu người uống rượu bia mà lái xe thì sẽ xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ; cửa hàng buôn bán gây mất an ninh trật tự, gây ô nhiễm tiếng ồn thì sẽ bị xử lý theo quy định… Do vậy, chỉ cần các cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm, kiểm tra xử lý gắt gao thì cũng đủ sức ngăn chặn những nỗi lo mà Bộ Y tế dự liệu. Điển hình là thẩm quyền xử phạt hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan thuộc rất nhiều đơn vị như Quản lý thị trường, Công an kinh tế, Thanh tra y tế, chủ tịch UBND các cấp…, thế nhưng tình hình vi phạm vẫn… tràn lan. Vậy mà khi nói đến trách nhiệm thì đơn vị nào cũng nói: thiếu nhân sự, xử không xuể!

Chỉ cần xử nghiêm, đúng những quy định hiện có là đã góp phần bảo vệ sức khỏe người dân. Còn việc uống nhiều rượu bia sẽ bị tổn hại sức khỏe, ai cũng biết và hẳn nhiên ai cũng muốn tự bảo vệ sức khỏe của mình, nên chỉ cần tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nâng cao ý thức người dân là đủ. Nếu cứ tiếp tục ban hành nhiều quy định mà không đủ lực lượng kiểm tra, xử lý, thì chẳng khác nào tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục