Đề xuất tăng mức thuế suất thuế tài nguyên

Sáng 21-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

(SGGPO).- Sáng 21-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, theo đó Chính phủ nhận định, mức thuế suất thuế tài nguyên hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế. Chính phủ cho rằng cần thiết phải rà soát điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với một số loại tài nguyên để thực hiện mục tiêu không khuyến khích việc khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị kinh tế lớn, bảo vệ nguồn tài nguyên.

  • Cụ thể, các loại tài nguyên được đề nghị điều chỉnh mức thuế suất bao gồm:

+ Sắt: tăng từ 10% lên 13%;

+ Titan: tăng từ 11% lên 16%;

+ Vàng: tăng từ 15% lên 22%;

+ Vonfram, Antimoan: tăng từ 10% lên 18%;

+ Đồng: tăng từ 10% lên 15%;

+ Niken: tăng từ 10% lên 12%;

+ Đất làm gạch: tăng từ 7% lên 10%;

+ Cát: tăng từ 10% lên 11% (cho phù hợp với mức thuế suất của cát làm thủy tinh);

+ Đá, sỏi: tăng từ 6% lên 7% (cho phù hợp với mức thuế suất của đá nung vôi và sản xuất xi măng);

+ Apatit: tăng từ 3% lên 5%;

+ Than: tăng từ 5-7% lên tương ứng là 7-9%;

+ Nước thiên nhiên: tách nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh thành 2 nhóm là dùng cho sản xuất nước sạch và cho mục đích khác. Trong đó, thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất nước sạch giữ như hiện hành (1% nếu sử dụng nước mặt và 3% nếu sử dụng nước dưới đất). Đối với nước thiên nhiên dùng cho mục đích khác, đề nghị thuế suất 3% nếu sử dụng nước mặt và 5% nếu sử dụng nước dưới đất. Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện, tăng từ 2% lên 4%.

Số thu thuế tài nguyên qua các năm

Năm 2009 là 19.392 tỷ đồng (trong đó, thuế tài nguyên từ dầu khí là 16.996 tỷ đồng, từ các tài nguyên khác là 2.396 tỷ đồng), chiếm 4,2% tổng số thu NSNN.

Năm 2010 là 26.014 tỷ đồng (trong đó, thuế tài nguyên từ dầu khí là 22.487 tỷ đồng, từ các tài nguyên khác là 3.527 tỷ đồng), tăng 6.622 tỷ đồng so với năm 2009 (trong đó số thu thuế từ tài nguyên khác tăng 1.131 tỷ đồng), chiếm 4,4% tổng số thu NSNN.

Năm 2011 là 39.299 tỷ đồng (trong đó, thuế tài nguyên từ dầu khí là 32.910 tỷ đồng, từ các tài nguyên khác là 6.389 tỷ đồng), tăng 13.285 tỷ đồng so với năm 2010 (trong đó số thu thuế từ tài nguyên khác tăng 2.862 tỷ đồng), tăng 19.907 tỷ đồng so với năm 2009 (trong đó số thu thuế từ tài nguyên khác tăng 3.993 tỷ đồng), chiếm 6,6% tổng số thu NSNN.

Năm 2012 là 41.313 tỷ đồng (trong đó, thuế tài nguyên từ dầu khí là 34.126 tỷ đồng, từ các tài nguyên khác là 7.186 tỷ đồng), tăng 2.013 tỷ đồng so với năm 2011 (trong đó số thu thuế từ tài nguyên khác tăng 797 tỷ đồng), tăng 21.920 tỷ đồng so với năm 2009 (trong đó số thu thuế từ tài nguyên khác tăng 4.790 tỷ đồng), chiếm 5,58% tổng số thu NSNN.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục