(SGGP).- Đó là chỉ đạo của UBND TP với Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cụ thể, sở này phải chủ trì đề xuất TP việc thành lập Tổ kiểm tra định kỳ hàng năm đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở không phù hợp quy hoạch trên địa bàn TP; thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty cổ phần Vật tư tổng hợp phân bón hóa sinh tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi và đề xuất hướng xử lý để UBND TP xem xét. Ngoài ra, TP cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở-ngành và UBND các quận-huyện tham mưu, đề xuất TP xem xét về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường và cơ sở không phù hợp quy hoạch trên địa bàn TP (được thành lập theo Quyết định số 2755/QĐ-UBND ngày 4-6-2014 của UBND TP), trong đó có phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho từng sở-ngành, quận-huyện.
ĐA THIỆN
* Đầu tư thêm 8 trạm khí tượng thủy văn
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ vừa được TP chấp thuận chủ trương hỗ trợ kinh phí cho đầu tư bổ sung 8 trạm khí tượng thủy văn, bao gồm: 3 trạm khí tượng, 3 trạm đo mưa và 2 trạm đo mực nước theo dự án xây dựng bổ sung mạng lưới các trạm khí tượng, trạm đo mực nước và trạm đo mưa phục vụ công tác phòng, chống, ứng phó lụt, bão, thiên tai trên địa bàn TP. Theo đó, TP yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ ưu tiên đầu tư nâng cấp Trạm thủy văn Phú An (sông Sài Gòn) theo hướng tự động hóa để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo triều của TP.
BÌNH KHÔI
* Lập quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020
(SGGP).- UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch sử dụng đất lúa trên địa bàn TP đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhằm xác định ranh giới, diện tích và xây dựng cơ sở dữ liệu đất trồng lúa; đồng thời làm cơ sở thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án đầu tư sử dụng đất trồng lúa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được giao lập Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại TP giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn 2030. Theo quy hoạch đến năm 2020, theo Nghị quyết của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa trên địa bàn TPHCM là 3.000ha, chiếm 1,4% trong tổng diện tích đất nông nghiệp là 82.022ha vào năm 2020.
HUY ANH
* Hoàn chỉnh đề án chuyển rác sinh hoạt về khu xử lý chất thải rắn Đa Phước
(SGGP).- Để đảm bảo tiến độ đóng cửa bãi chôn lấp số 3 tại Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp trước ngày 31-3-2015, UBND TPHCM vừa giao Sở TN-MT hoàn chỉnh đề án chuyển rác sinh hoạt về xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.
Trong đó, TP lưu ý phải phân định lộ trình vận chuyển rác từ Củ Chi về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước thành 3 giai đoạn với tổng lượng rác tăng thêm 2.000 tấn/ngày trong những tháng cuối năm 2014 và quý 1-2015. TP cũng yêu cầu: Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam đảm bảo công tác tiếp nhận, xử lý lượng rác đưa về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, đồng thời tiếp nhận và giải quyết việc làm cho số lao động chuyển từ bãi số 3 Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp, đảm bảo chi trả chính sách tiền lương cho người lao động bằng hoặc cao hơn ở đơn vị cũ; Sở GTVT cấp phép và phân luồng giao thông cho các xe vận chuyển rác về khu này theo 3 khoảng thời gian trong ngày là 8 giờ 30 -10 giờ 30, 14 giờ -16 giờ và 18 giờ - 6 giờ; Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị xây dựng đề án tổ chức lại hệ thống thu gom rác từ hộ gia đình trên địa bàn TP nhằm từng bước thay đổi mô hình thu gom rác dân lập như hiện nay.
PHÚC LONG