Đề xuất thắt chặt quản lý khí thải xe cơ giới

Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều quy định mới nhằm quản lý tốt hơn khí thải của các phương tiện giao thông cơ giới, nhưng tại TPHCM, khí thải này đang là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí lớn cho thành phố.
Xe buýt CNC tốt cho môi trường. Ảnh: THÀNH TRÍ
Xe buýt CNC tốt cho môi trường. Ảnh: THÀNH TRÍ
Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều quy định mới nhằm quản lý tốt hơn khí thải của các phương tiện giao thông cơ giới, nhưng tại TPHCM, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP, khí thải này đang là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí lớn cho thành phố. Tại sao? Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi nhanh với ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, về vấn đề trên.
Phóng viên: Theo quy định, ô tô lưu hành phải tuân thủ tiêu chuẩn khí thải Euro 4 (trừ một số xe buýt cũ), nhưng nhiều ô tô lưu thông trên đường tại TPHCM vẫn thải khói đen mù mịt? Ông có thể giải thích về hiện tượng này?
Ông Ngô Hồng Hệ: Trước hết cần phải hiểu tiêu chuẩn khí thải Euro 4 là gì và các quy định liên quan?
- Tiêu chuẩn khí thải Euro 4 bao gồm những định mức về nồng độ của các loại khí sinh ra trong quá trình xe hoạt động như nitrogen oxide (NOx), hydrocarbons (HC), carbon monoxide (CO) và các hạt vật chất (PM), được các nước thành viên EU thông qua và áp dụng. Mục tiêu của các tiêu chuẩn này là để loại trừ những chiếc xe tạo ra quá nhiều ô nhiễm (do hỏng hóc hay quá cũ...) vì mục đích bảo vệ môi trường.
- Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, mô tô 2 bánh, quy định các loại ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (tương đương Euro 4) từ ngày 1-1-2017 và mức 5 (tương đương Euro 5) từ ngày 1-1-2022. Như vậy, chỉ các xe nhập khẩu và sản xuất lắp ráp sau ngày 1-1-2017 mới bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, các loại xe đang lưu hành trước ngày 1-1-2017 vẫn áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 theo quy định trước đây. 
- Các phương tiện ô tô đang lưu hành phải đạt yêu cầu về chất lượng khí thải khi vào kiểm định; tuy nhiên, trong khoảng thời gian hoạt động giữa 2 lần kiểm định, việc bảo dưỡng thường xuyên đối với hệ thống động cơ, hệ thống khí xả là rất quan trọng, đặc biệt đối với các phương tiện xe buýt vì đặc thù hoạt động nhiều trong khu vực nội đô, tốc độ hoạt động thấp, thường xuyên chở đầy tải hoặc quá tải trong giờ cao điểm, dẫn đến hiện tượng thải ra khói đen. Kể cả các phương tiện ô tô mới, đã đạt tiêu chuẩn Euro 4, yêu cầu về bảo dưỡng càng phải nghiêm ngặt và đúng quy trình hơn vì động cơ được trang bị nhiều công nghệ hiện đại, đòi hỏi phải bảo dưỡng và thay thế định kỳ. Nếu công tác bảo dưỡng không được thực hiện đúng, những phương tiện trên có thể phát thải nhiều hơn các phương tiện đời cũ.
Phần lớn xe thải khói đen là ô tô chuyên dùng chở rác, xe chở vật liệu xây dựng, xà bần… Có phải các đối tượng này được ưu tiên khi đăng kiểm về tiêu chuẩn khí thải? 
 Tất cả các phương tiện ô tô đang lưu hành phải đảm bảo các quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định và áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải như nhau. 
Hiện tượng các loại ô tô chuyên dùng, chở rác, vật liệu xây dựng… thải khói đen thực tế vẫn còn, nhưng không phải phổ biến. Hiện tượng thải khói đen do nhiều nguyên nhân như động cơ quá cũ, hư hỏng hệ thống nhiên liệu, sử dụng nhiên liệu không đúng, chở quá tải, thao tác của lái xe… Thực tế, hiện nay phương tiện không được bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên cũng như định kỳ mà chỉ sửa chữa khi hư hỏng (nhất là đối với ô tô tải), do đó phương tiện không được duy trì ở trạng thái tốt dễ xảy ra hư hỏng ở các hệ thống liên quan đến động cơ, gây nên tình trạng xả khói. 
Khí thải của các phương tiện giao thông đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… 
Trong chức trách của mình, ngành đăng kiểm có kế hoạch gì để cải thiện tình hình này?
Trong năm 2018, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tham gia sửa đổi TCVN 6438 - giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải ô tô đang lưu hành - theo hướng thắt chặt hơn giá trị tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, trong năm 2018, cục đang nghiên cứu để tham mưu Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định liên quan lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải mới cho xe cơ giới đang lưu hành. 
Trong thời gian xây dựng lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải mới cho xe cơ giới đang lưu hành. Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị: Chủ phương tiện cần thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa để duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện; tuyệt đối không tự ý thay đổi kết cấu phương tiện. Lái xe phải chấp hành quy định về giao thông đường bộ, kiểm tra xe trước khi lăn bánh, có kỹ năng điều khiển phương tiện và nhất là cần bảo đảm sức khỏe trong suốt quá trình lái xe. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác phối hợp kiểm tra liên ngành để xử lý những ô tô lưu hành không đảm bảo an toàn kỹ thuật, gây ô nhiễm và chở quá tải.
Trong năm 2018, ngành đăng kiểm có kế hoạch gì cho việc quản lý khí thải đối với xe gắn máy 2 bánh?
Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với mô tô, xe máy; nghiên cứu đề xuất đưa vào Luật Giao thông sửa đổi các biện pháp quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mô tô, xe máy tham gia giao thông; Cục Đăng kiểm Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các sở GTVT về các biện pháp để quản lý kỹ thuật mô tô, xe máy, nhất là công tác triển khai kiểm tra khí thải.

Tin cùng chuyên mục