Đề xuất thí điểm quản lý rừng tại Quảng Nam bằng khinh khí cầu trực thăng

Chiều 17-11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp nghe Hội Hàng không – Vũ trụ Việt Nam báo cáo tính khả thi việc áp dụng thử nghiệm khinh khí cầu trực thăng làm trạm quan sát bảo vệ rừng.

Tại cuộc họp, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Phó Chủ tịch Hội Hàng không – Vũ trụ Việt Nam cho biết, loại khinh khí cầu trực thăng được kết hợp tạo ưu điểm của cả khinh khí cầu và phương tiện bay nhiều roto (dorne). Bộ khinh khí cầu bay bao gồm 1 quả cầu chứa khí heli, dorne, thiết bị thu phát tín hiệu điều khiển từ xa, thiết bị truyền hình, camera chuyên dụng.

Đề xuất thí điểm quản lý rừng tại Quảng Nam bằng khinh khí cầu trực thăng ảnh 1 Quang cảnh buổi làm việc giữa tỉnh Quảng Nam và Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam
Loại phương tiện này có khả năng dễ dàng bay để giám sát từ trên cao và từ xa bằng cách truyền hình trực tiếp. Phương án bay theo chương trình tự động không người lái tránh được yêu cầu rất khắt khe về an toàn bay nếu có người lái, giá thành sản phẩm sẽ giảm rất nhiều...

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương cho biết, loại kinh khí cầu trực thăng có phương pháp giám sát bảo vệ rừng 24/7 trên diện rộng, từ trên cao, qua hình ảnh được liên tục gửi về với thiết kế 1 giờ/lần đến hệ thống giám sát của kiểm lâm. Khi chụp ảnh giám sát tại một khu vực, phương tiện tự động phát hiện các hiện tượng khả nghi thông qua trí tuệ nhân tạo (AI). Lúc này, máy sẽ tạm dừng quét, zoom gần hơn và chụp ảnh kèm đánh dấu địa điểm trên bản đồ gửi về lực lượng kiểm lâm kèm báo động để lực lượng quyết định xử lý thông tin.

Đề xuất thí điểm quản lý rừng tại Quảng Nam bằng khinh khí cầu trực thăng ảnh 2 Phát thảo mô hình khí cầu trực thăng (bên trái) và mô phỏng trạm giám sát trên cao của phương tiện
Ví dụ, nếu giám sát rừng ở độ cao 100m, loại camera có đường kính giám sát là 400m thì một trạm kiểm soát bằng khí cầu trực thăng được 50ha trong vòng 3 phút. Với lợi thế di chuyển, mỗi giờ thiết bị có thể giám sát được tối đa 50ha. Việc này ưu thế vượt trội về mặt kiểm soát rừng so với thiết bị flycam hiện nay khi có diện tích giám sát nhỏ và thời gian hoạt động ngắn.

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương thông tin thêm, do có thể di chuyển nên mỗi giờ loại khinh khí cầu trực thăng có thể giám sát được một diện tích lớn. Trong khi đó, việc vận hành khá đơn giản, với tổ kỹ thuật 2 người được huấn luyện không quá 1 tuần. Việc bảo quản chỉ cần nhà bạt che nắng, mưa có diện tích bằng một sân bóng chuyền cao 8m, việc bơm khí heli nay đã khá phổ biến, có tại TP Đà Nẵng. Về kinh phí để chế tạo và áp dụng thử vào khoảng 1 tỷ đồng trong thời gian 9 tháng.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi nghe báo cáo cảm thấy khá hấp dẫn của việc sử dụng khinh khí cầu trực thăng trong giám sát, bảo vệ tài nguyên rừng và có khả năng hiệu quả cao. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra rằng sau khi thí điểm thành công thì tỉnh Quảng Nam thuê lại với giá bao nhiêu khi đưa vào thực tế.

Đồng thời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đề nghị đơn vị nghiên cứu cung cấp các thông tin như việc truyền trực tiếp sóng thì dùng loại sóng nào để truyền dữ liệu. Việc bay thử nghiệm thì phía Hội Hàng không- Vũ trụ có thể xin giấy phép bay và sau này địa phương thuê để giám sát rừng thì pháp lý bay sẽ ra sao vì việc này phải xin phép bay. Đồng thời, việc nạp khí heli cho khí cầu sẽ mất bao lâu cho một lần dùng vì các diện tích rừng ở Quảng Nam được kiểm tra hầu hết ở miền núi, việc đi lại khó khăn.

Kết luận buổi làm việc, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở NN-PTNT nghiên cứu việc bay khí cầu hiện nay có cần thiết hay không, trong khi việc sử dụng máy bay không người lái hiện tại vẫn chưa chuyên nghiệp. Sở NN-PTNT tỉnh cũng cần xác định nghiệp vụ, kỹ thuật và có tiết kiệm, hỗ trợ cho công việc đến mức nào.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng Sở NN-PTNT tiếp tục trao đổi với Hội Hàng không – Vũ trụ về việc thí điểm. Sở cũng sẽ đưa ra yêu cầu cụ thể về thiết bị này về việc bay, camera chuyên dụng ra sao để đánh giá được việc đốt thực bì hay cháy rừng hoặc những yêu cầu riêng. Đồng thời ông Hồ Quang Bửu nhận xét, đây là một công nghệ hay, nên thí điểm trong việc bảo vệ rừng nhưng phải đặt ra bài toán kinh phí phải hợp lý.

Tin cùng chuyên mục