Đề xuất tổng rà soát toàn diện những trẻ em có nguy cơ bị bạo hành trên toàn quốc

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, nghiên cứu, xem xét, thảo luận; trên cơ sở đó thống nhất đề nghị Bộ Lao động Thương binh - Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành tổng rà soát toàn diện trẻ em có nguy cơ bị bạo hành hiện nay trên phạm vi cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự, phát biểu tại phiên giải trình
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự, phát biểu tại phiên giải trình

Sáng 22-2, tại Nhà Quốc hội, đã diễn ra phiên giải trình về Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Xã hội tổ chức. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự, phát biểu tại phiên giải trình.

Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, đây là một hoạt động thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với những vấn đề mà cử tri, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm; đồng thời là tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị quyết 121 của Quốc hội năm 2020…

Đề xuất tổng rà soát toàn diện những trẻ em có nguy cơ bị bạo hành trên toàn quốc ảnh 1 Toàn cảnh phiên họp 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho rằng, những hệ lụy của đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã dẫn đến tình trạng bạo lực gia tăng với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em.

“Thời gian gần đây, dư luận xã hội rất bức xúc và đau lòng khi các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về các vụ việc bạo hành trẻ em gây hậu quả rất nghiêm trọng. Báo cáo của các cơ quan gửi tới Quốc hội cho thấy, các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em tuy đã giảm nhiều so với trước đây, nhưng vẫn còn ở mức cao. Điều đó cho thấy, những việc chúng ta đã và đang thực hiện chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn là chưa đủ”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Lãnh đạo Quốc hội đã nêu rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác này thời gian tới.

Thứ nhất, tiếp tục làm rõ, phân tích cặn kẽ những nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực trẻ em, trách nhiệm của các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương, cơ sở; sự phối hợp giữa các Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, Y tế, Giáo dục, Tư pháp trong việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Thứ hai, đề xuất các giải pháp, nhất là về hoàn thiện thể chế; về tổ chức triển khai, thực hiện; về tổ chức bộ máy và bố trí các nguồn lực thỏa đáng cho công tác trẻ em. Đặc biệt là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Thứ ba, giải pháp để xây dựng, phổ biến các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới, ý thức pháp luật, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, phòng ngừa các nguy cơ về bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội, hướng đến mục tiêu vì sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam.

Thứ tư, nghiên cứu, xem xét, thảo luận; trên cơ sở đó thống nhất đề nghị Bộ Lao động Thương binh - Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành tổng rà soát toàn diện trẻ em có nguy cơ bị bạo hành hiện nay trên phạm vi cả nước, làm cơ sở, dữ liệu giúp cho việc thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình để chủ động phòng ngừa, xử lý các tình huống phát sinh từ địa phương, cơ sở.

Tin cùng chuyên mục