(SGGPO). – Chiều 27-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
Ảnh: Lã Anh
Thực hành quyền công tố ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho thấy, nhiều ý kiến đề nghị quy định thời điểm bắt đầu thực hành quyền công tố sớm hơn so với dự thảo đã trình Quốc hội. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể thì ý kiến còn khác nhau. Có ý kiến đề nghị thực hành quyền công tố ngay từ khi có hành vi tội phạm xảy ra; có ý kiến đề nghị từ khi Cơ quan điều tra thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; có ý kiến đề nghị từ khi khởi tố vụ án hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người bị tình nghi thực hiện tội phạm.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị VKSND chỉ thực hiện chức năng kiểm sát, không thực hành quyền công tố trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Theo đó không quy định VKSND có thẩm quyền trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Về điều này, UBTV cho rằng, kết quả giám sát thời gian qua cho thấy, trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã xảy ra những trường hợp bức cung, dùng nhục hình dẫn đến chết người, oan, sai; bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Những hoạt động này được tiến hành trước khi khởi tố vụ án, vì vậy nếu chỉ quy định VKSND thực hành quyền công tố từ khi khởi tố vụ án hoặc từ khi khởi tố bị can thì không ràng buộc được trách nhiệm của Viện kiểm sát, không đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm.
UBTV cũng nhận thấy, theo quy định hiện hành, Cơ quan điều tra có trách nhiệm giải quyết tất cả các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhưng qua giám sát cho thấy để chống bỏ lọt tội phạm thì cần thiết phải giao cho VKSND trực tiếp giải quyết một số tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp Cơ quan điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Vì vậy, UBTV chỉnh lý thời điểm thực hành quyền công tố và trách nhiệm của VKSND trong việc giải quyết một số tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thực hành quyền công tố (là các hoạt động của VKSND trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội), được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự”.
Ngoài ra, VKSND trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà VKSND đã yêu cầu nhưng không được khắc phục.
VKSND trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra
Về việc VKSND trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra, UBTV chỉnh lý để làm rõ phạm vi VKSND trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra “trong trường hợp để bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng không được khắc phục”. VKSND tiến hành những hoạt động điều tra và trong những trường hợp cụ thể nào sẽ do Bộ luật tố tụng hình sự quy định.
Về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự của VKSND, UBTV cho biết, đa số ý kiến của ĐBQH không tán thành giao cho VKSND thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự vì không phù hợp với nguyên tắc tự định đoạt của đương sự và Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự cho VKSND để bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của người yếu thế (người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần) nhưng chưa có cơ quan, tổ chức, đoàn thể nào khởi kiện.
Vì còn ý kiến khác nhau nên UBTV đưa ra 2 phương án: không quy định hoặc VKSND khởi tố vụ án dân sự trong những trường hợp do Bộ luật tố tụng dân sự quy định để bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.
Đề xuất VKSND trực tiếp điều tra tội phạm về lợi dụng chức vụ
Đây cũng là những nội dung mà các ĐBQH tập trung thảo luận trong chiều nay. ĐB Phạm Văn Gòn (TPHCM) đề nghị cần giao cho cơ quan điều tra của VKSND điều tra các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn của các cơ quan điều tra khác.
“Cần giao cho cơ quan điều tra của VKS điều tra một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng của cơ quan điều tra khác nếu có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm để ngăn ngừa tham nhũng đang phức tạp hiện nay”, ĐB Phạm Văn Gòn nói.
Đồng tình quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) cũng cho rằng, để đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng thì thì cần giao cho cơ quan điều tra của VKSND điều tra các tội phạm về lợi dụng chức vụ.
ĐB Hà Công Long (Gia Lai) cũng nêu, để ngăn ngừa tình trạng làm lộ thông tin từ cơ quan điều tra (tương tự vụ Dương Chí Dũng), tình trạng chạy án... thì cơ quan điều tra của VKSND cần được giao nhiệm vụ điều tra loại vụ án này để bảo đảm quyền thực hành công tố.
“Đồng tình cao giao cơ quan điều tra của VKS điều tra các vụ án khác về lợi dụng chức vụ để tham nhũng, nhất là hành vi lợi dụng chức vụ”, ông Hà Công Long nói.
|
Tuy nhiên, một số ý kiến lại không đồng tình giao cơ quan điều tra của VKSND điều tra các vụ án về lợi dụng chức vụ để tham nhũng, nhất là hành vi lợi dụng chức vụ vì không nên làm thay chức năng cơ quan điểu tra.
Về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và nhiều đại biểu khác cho rằng, với những vụ án xâm phạm nghiêm trọng đến những đối tượng yếu thế, thì cần giao cho VKSND khởi tố những vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích của Nhà nước cũng như các đối tượng yếu thế.
Nhiều ĐBQH cho rằng, để chống lọt tội phạm, oan sai thì VKSND phải thực hành quyền công tố ngay từ khi vụ án xảy ra.
Đề nghị rà soát “kỳ án vườn mít”
Ngày 27-10, trong phiên thảo luận tại hội trường về luật Tổ chức TAND sửa đổi, ĐBQH Bùi Mạnh Hùng (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) tiếp tục đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) xem xét lại vụ “kỳ án vườn mít”.
ĐB Bùi Mạnh Hùng nêu, ngay sau khi bị tuyên án chung thân ngày 30-8-2013 trong phiên xử phúc thẩm lần thứ 2, ngày 2-9-2013, Lê Bá Mai lại gửi đơn kêu oan. Bố mẹ của Lê Bá Mai cũng liên tục gửi đơn kêu oan đến Chủ tịch nước và lãnh đạo nhiều cơ quan ban ngành.
Đại biểu QH Bùi Mạnh Hùng trả lời phỏng vấn. Ảnh Lã Anh
“Các luật sư bào chữa cho Lê Bá Mai cũng đã gửi đơn giám đốc thẩm đến cho Viện trưởng nhưng đến nay chưa nhận được ý kiến. Nếu Viện trưởng chưa nhận được đơn kêu oan của Lê Bá Mai thông qua hệ thống trại giam thì khi nhận đơn của bố mẹ Lê Bá Mai, các cơ quan chức năng cũng phải kiểm tra lại và có trách nhiệm trả lời”, ông Hùng phát biểu.
ĐB cho biết thêm, có một người dân tên Nguyễn Thị Hảo đã có đơn xin ra làm chứng cho Lê Bá Mai, nhưng không rõ vì lý do gì mà không được tòa gọi trong các phiên xử. Sau khi gửi đơn xin ra làm chứng, bà Hảo đã bị điện thoại nặc danh đe dọa, hiện phải trở về quê.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị TAND tối cao, VKSND tối cao tiếp tục nghiên cứu lại vụ án này, sớm có trả lời cho đương sự và gia đình, tránh oan sai đáng tiếc.
Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác tư pháp năm 2014 ngày 25-10 vừa qua, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo, do vụ án kéo quá dài nên cơ quan chức năng đã rất thận trọng. Ngành đã lập hai tổ độc lập, một bên chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, còn vướng của quá trình điều tra, truy tố, bên kia phản biện.
Vẫn theo ông Bình, phiên tòa phúc thẩm sau đó đã diễn ra công khai, có tranh tụng, với sự tham gia của đông đảo phóng viên, báo chí. Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực, bản thân Lê Bá Mai trong trại cho đến giờ không thấy có phản ứng, không có đơn thư kêu oan. Dù trong quá trình điều tra cũng có việc nọ, việc kia sơ xuất, nhưng những sơ xuất đó không làm thay đổi bản chất vụ án.
PHAN THẢO - BÌNH AN
| |