(SGGPO).- Tin từ Ban truyền thông FPT cho biết, đêm 4-10, vào lúc 22 giờ 35 phút (giờ Việt Nam), vệ tinh F-1 của FPT sẽ rời khỏi trạm vũ trụ quốc tế (ISS) để hoạt động độc lập, sau một tuần trì hoãn do trục trặc của tàu vận tải ATV-3.
Theo kế hoạch, sau khi được thả ra khỏi trạm ISS, với tốc độ dự kiến 5cm/s, F-1 phải chờ tối thiểu 30 phút mới bắt đầu thực hiện các công việc đầu tiên trong nhiệm vụ của mình như bung antena, phát tín hiệu về mặt đất để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến các hoạt động trên trạm ISS. Quỹ đạo ban đầu của vệ tinh F-1 sẽ rất giống quỹ đạo của trạm ISS với các thông số chính: độ cao trung bình 416km (cận điểm 404km, viễn điểm 428km), nghiêng 51,6 độ so với mặt phẳng xích đạo, vận tốc trung bình 7,7km/s, chu kỳ quay 93 phút/vòng quanh Trái đất.
Theo thông tin mới nhất từ Cơ quan Không gian Nhật Bản JAXA, việc thử nghiệm thả các vệ tinh nhỏ từ trạm ISS bằng cánh tay robot nhằm tăng cường hiệu năng sử dụng trạm ISS như một bệ phóng đưa các vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo. Nếu như thử nghiệm thành công thì đây sẽ là một dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên các vệ tinh nhỏ được thả khỏi trạm ISS bằng cánh tay robot, mở ra con đường mới lên quỹ đạo cho các vệ tinh nhỏ bên cạnh việc đi cùng các vệ tinh lớn hơn trên tên lửa đẩy.
Sau khi bị hoãn từ ngày 27-9 vừa qua, thời điểm tiến hành thử nghiệm ngày 4-10 được chọn để kỷ niệm 55 năm ngày phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người là Sputnik-1 (4-10-1957). Có tất cả 5 vệ tinh được lựa chọn tham gia thử nghiệm lần này và được đặt trong 2 ống phóng trên khoang chứa của trạm ISS.
Với kích thước kích thước 10x10x10 cm và nặng 1 kg, sau khi được thả ra ngoài không gian, F-1 sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình là phải “sống” được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển mặt đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây. Dự kiến vệ tinh F-1 sẽ hoạt động khoảng 6 tháng trong không gian.
Vệ tinh F-1 do Phòng Nghiên cứu không gian FSpace (thuộc Đại học FPT) nghiên cứu chế tạo đã được đưa lên vũ trụ trên tàu vận tải HTV-3 bằng tên lửa đẩy HII-B từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản. Cùng chuyến đi lên Trạm vũ trụ quốc tế ISS lần này còn có 4 vệ tinh nhỏ khác của Nhật Bản và Mỹ. Được biết dự án vệ tinh F-1 này đã được FPT đầu tư khoảng 4 tỷ đồng trong 4 năm qua. Thời gian tới, FSpace sẽ tiếp tục nghiên cứu vệ tinh F-2 với kích thước và khối lượng gấp đôi F-1. Mục đích của việc chế tạo các vệ tinh như thế là nhằm từng bước làm chủ công nghệ, để đưa các ứng dụng vào thực tế như giám sát biển, cháy rừng, quan trắc...
F-1 được trang bị một máy phát sóng FM chính trên tần số 145.980MHz, phát tín hiệu điều chế AFSK 1.200 bit/giây và một máy phát sóng FM phụ trên tần số 437.485MHz, chỉ hoạt động khi vệ tinh ở ngoài vùng sáng (được mặt trời chiếu) và phát tín hiệu dạng mã Morse (PWM CW beacon). Công suất phát sóng của máy chính là 1,0W và máy phụ là 0,2W. Trạm điều khiển mặt đất của F-1 đặt tại tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội và các trạm vô tuyến điện trên thế giới sẽ theo dõi và thu tín hiệu từ vệ tinh gửi về. Ngoài ra, F-1 còn mang theo một lá cờ Việt Nam thu nhỏ, thẻ nhớ chứa tên và lời nhắn của hơn 7,500 người tham gia chương trình “Gửi tên và lời nhắn lên vũ trụ trên vệ tinh F-1” cũng như những hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam và một số bài hát kỷ niệm.
TRẦN BÌNH