Ngoài những mục đích bảo vệ môi trường và quỹ đất, Doanh nhân Đặng Thị Xuân Hồng xem dự án tâm linh này như một chốn để chị có thể thực hành những đạo nguyện của mình với một mong muốn “phụng sự xã hội”.
- Được biết đến như một nhà đầu tư mát tay và là một người uy tín trong giới tài chính, nhiều dự án kinh doanh của chị luôn được đánh giá tích cực bởi ý tưởng mới mẻ và độc đáo, đặc biệt là dự án Công viên hỏa táng Tháp Long Thọ tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh của Công ty CP TMDVĐT Long Thọ. Vậy chị có thể chia sẻ cơ duyên nào để chị quyết định xây dựng dự án này?
Tôi có duyên với lĩnh vực bất động sản khoảng gần 20 năm nay và cũng có ít nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Chúng tôi cho ra đời mô hình Công viên Hỏa táng Tháp Long Thọ phần lớn mang ý nghĩa góp phần bảo vệ môi trường. Ai cũng biết, quỹ đất ngày càng hạn hẹp trong khi dân số không ngừng tăng lên… Theo phong tục, thân xác sau khi chết đi sẽ được chôn cất, tuy nhiên quá trình phân hủy ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, nhất là các mạch nước ngầm, gây hệ luỵ không nhỏ đến đời sống và sức khỏe của các cư dân sinh sống xung quanh khu vực này. Do đó, với sự hỗ trợ từ chương trình xã hội hóa của Ủy ban thành phố Hồ Chí Minh, dự án Công viên hỏa táng Tháp Long Thọ được khởi động.
Khác với các nghĩa trang truyền thống theo hình thức địa táng, đây là mô hình nghĩa trang hỏa táng lưu giữ tro cốt, theo dạng hoa viên tạo cảnh quan gần gũi với môi trường và con người, sạch đẹp và hiện đại, mang lại sự thân thiện cho bất cứ ai đến tham quan hay có nhu cầu về hỏa táng, lưu tro cốt. Ngoài ra, xóa bỏ đi suy nghĩ sợ hãi mỗi khi nhắc đến việc đến thăm viếng người thân quá cố ở những nơi tâm linh như vậy.
Bên cạnh đó với mục đích “phụng sự xã hội”, Công viên Hỏa táng Tháp Long Thọ cho ra đời Quỹ từ thiện Long Thọ nhằm hỗ trợ toàn bộ chi phí tổ chức hậu sự và hỏa táng cho những hoàn cảnh người già neo đơn, người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo và không thể lo được chuyện hậu sự cho mình. Chúng tôi đặt tâm huyết thiện nguyện vào trong công việc kinh doanh này vừa đồng hành cùng với thành phố giúp đỡ cho việc an sinh xã hội, vừa là để đặt chữ đạo vào đời.
- Chị có thể nói rõ hơn về sự khác biệt của Long Thọ để tạo nên sự gần gũi, thân thiện đối với các khách hàng khi đến đó không?
Được đầu tư với quy mô gần 6 héc-ta, chúng tôi quy hoạch Long Thọ như một công viên với nhiều cây xanh, khuôn viên thoáng mát có cả suối nhân tạo, hồ cá, ao sen... Điểm đặc biệt hơn là Long Thọ hiện là nơi duy nhất chỉ có hỏa táng và lưu giữ tro cốt chứ không nhận địa táng. Vì vậy khách hàng khi đến đây không cảm thấy e ngại vì có nhiều mộ phần hay có cảm giác u ám. Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng vào kiến trúc xây dựng theo luật ngũ hành của phương Đông nhưng giữ vững văn hóa Việt Nam với những họa tiết trang trí chim hạc, trống đồng Đông Sơn, những tranh ảnh dựng lại bề dày lịch sử Việt Nam từ thời các Vua Hùng dựng nước… Ngoài ra, điểm nhấn chính là Tháp Long Thọ cao 10 tầng dành để lưu giữ tro cốt mang đậm phong cách Phật giáo được thiết kế với nhiều ý nghĩa tâm linh cộng với Kinh A di đà luôn được phát liên tục tại các tầng và hàng tháng còn có các tăng, sư làm lễ cúng cầu siêu hồi hướng công đức cho tất thảy mọi hương linh tại Long Thọ.
Ngoài ra, Công viên hỏa táng Tháp Long Thọ còn được xây dựng rất hiện đại với 10 lò hỏa táng được nhập khẩu từ Mỹ không mùi, không khói, rất an toàn cho người vận hành và khách hàng sử dụng dịch vụ. Những phòng hành lễ sang trọng với màn hình led và LCD ghi hình lại xuyên suốt quá trình diễn ra buổi lễ của khách hàng. Khu lưu giữ tro cốt được làm hoàn toàn bằng đá Ấn Độ và gỗ căm xe cùng đội ngũ nhân viên thường xuyên bảo trì, chăm sóc, vệ sinh để giữ cho công viên luôn sạch đẹp.
Chúng tôi xem Công viên Tháp Long Thọ không chỉ là một nơi lưu giữ tro cốt bình thường mà đây còn là một nơi “lưu giữ kỷ niệm”. Tuy người đã mất nhưng những ký ức và kỷ niệm để lại cho người thân, gia đình vẫn còn đấy. Chính vì thế tôi muốn gia quyến của những khách hàng được lưu tro tại Tháp Long Thọ vẫn có một sự kết nối nào đó khi đến thăm viếng. Ví dụ, những cuốn lưu bút trong mỗi hộc lưu trữ để gia quyến ghi vài dòng nhắn nhủ, cho đến những thước phim mà chúng tôi dựng lại quãng đời của khách hàng quá cố từ hình ảnh của thân nhân cung cấp, với mong muốn những đời con cháu sau này mỗi khi đến thăm viếng tổ tiên vẫn có thể cảm nhận rõ cuộc đời đã qua của họ.
- Vì sao các nghĩa trang tư nhân hiện nay rất chú trọng vào việc bán đất để địa táng còn Công viên Long Thọ lại từ chối địa táng thưa chị?
Nếu đứng dưới góc độ một nhà kinh doanh mong muốn mang lại lợi nhuận nhanh thì chúng tôi sẽ chọn đầu tư địa táng. Tuy nhiên, như đã nói từ trên về những hệ luỵ của việc địa táng làm ô nhiễm đến môi trường, nguồn nước và quỹ đất ngày càng hạn hẹp (hiện nay tại quận 12 và huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định cấm địa táng), Long Thọ là mô hình thí điểm “nghĩa trang bảo lưu kỷ niệm kết nối với dịch vụ tang lễ theo phương thức hỏa táng”. Công viên hỏa táng Tháp Long Thọ là “dấu ấn” của công trình vật thể đầu tiên theo một hướng đi mới, làm nổi bật tính chất văn hóa tâm linh của dân tộc, nên tôi tin rằng nó sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai trên cả nước.
Hiện nay, thành phố cũng đang tích cực tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân bằng việc đưa ra nhiều chính sách phúc lợi nhằm khuyến khích người dân hỏa táng người quá cố thay cho địa táng. Vào tháng 3/2015, thành phố ban hành quyết định hỗ trợ tiền cho người dân chọn hình thức hỏa táng. Cụ thể như người dân có hộ khẩu ở thành phố đều được hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho mỗi trường hợp hỏa táng. Các trường hợp hỏa táng trẻ em dưới 6 tuổi (có hộ khẩu hoặc KT3 tại thành phố) sẽ được miễn phí. Các đối tượng chính sách và hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/trường hợp hỏa táng.
Bên cạnh những chính sách của thành phố, Công viên hỏa táng Tháp Long Thọ cũng áp dụng thêm nhiều chính sách ưu đãi và dịch vụ tiện ích như cho trả góp chi phí dịch vụ tang lễ với lãi suất 0%, linh hoạt trong hình thức thanh toán nhằm khuyến khích tất cả mọi người dân đều có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ cũng như giải quyết được những vấn đề về tài chính cho những thân quyến có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn có thể làm tròn “nghĩa vụ báo hiếu” để chu toàn chuyện hậu sự cho người quá cố. Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là phát triển nhân rộng mô hình này, nếu xã hội có nhu cầu.
- Định hướng lâu dài, chị định phát triển như thế nào để giúp Công viên hỏa táng Tháp Long Thọ vừa giữ vững những tôn chỉ kinh doanh của mình nhưng vẫn đảm bảo được lợi nhuận của một nhà đầu tư?
Vì mục đích “phụng sự xã hội”, chúng tôi đặt vấn đề tiên phong trong mô hình hỏa táng không địa táng cho Long Thọ với nhiều lý tưởng cao cả trước hết. Chúng tôi xem đây là một mô hình đầu tư lâu dài và muốn từng bước hoàn thiện, chuẩn hóa mô hình Long Thọ để có thể nhân rộng ra cho một số nơi khác, giải quyết vấn đề về quỹ đất, môi sinh và thực hành đạo. Sau đó, nếu thành công chúng tôi sẽ làm thủ tục đăng ký niêm yết cổ phiếu của Công ty CP TMDVĐT Long Thọ lên sàn chứng khoán và có thể kêu gọi thêm các nhà đầu tư cũng có chung định hướng giống chúng tôi.
- Xin cảm ơn sự chia sẻ thú vị về một mô hình mới mẻ trong nhận thức công chúng nhưng rất nhân văn của chị. Chúc chị ngày càng thành công.
P.Q