Đêm pháo hoa

Tiếp sau ngày diễu binh mừng chiến thắng là đêm pháo hoa ở Sài Gòn.

Hơn nửa tháng rồi, người Sài Gòn vẫn như chưa hồi tỉnh trước niềm vui quá đột ngột. Sau ngày kỷ niệm sinh nhật Bác rồi hãy hay, hãy lo công việc làm ăn, chúng tôi tính vậy. Ba mươi năm nay mới có lễ mừng chiến thắng.

Anh Hai Khuê nói với tôi như vậy, anh mua một dây pháo dài treo từ trên gác ba xuống đến giáp tầng nhất. Đêm ấy, chúng tôi chọn một địa điểm tốt nhất để xem pháo hoa. Đường phố chật người và những nhà cao đều đã có người đứng.

Chúng tôi vào một khách sạn ở gần bến Bạch Đằng. Người phụ trách khách sạn chẳng cần hỏi nhiều, mời chúng tôi lên thang máy. Mặt khách sạn trông ra bờ sông. Mặt sông sáng rực lên. Những đường phố kết đèn. Đèn hoa in bóng xuống nước lấp lánh. Người và xe đổ ra đường Trần Hưng Đạo, đông nghẹt bến Bạch Đằng. Người Sài Gòn đang trẻ lại. Gần nửa đời người rồi, bây giờ bà mẹ tóc bạc trắng mới mặc áo dài dắt tay cháu nhỏ đi xem pháo hoa.

Trong những ngày vui, hình như trẻ con người lớn đều giống nhau. Tất cả cùng reo lên, tất cả cùng chen lấn, tất cả cùng cười tươi, tất cả cùng gặp nhau, quen nhau, trò chuyện với nhau trên những đường phố dẫu chưa được gặp nhau một lần.

Niềm vui chung là cái cớ cho mọi câu chuyện. Ở đêm pháo hoa này, gương mặt người nào cũng đẹp, cũng dễ thương. Người ta cứ đi mãi, đi mãi tưởng như đôi chân của con người có thể đi cùng trời cuối đất.

Đêm nay Hà Nội đang làm gì? Huế đang làm gì? Đà Nẵng, Cần Thơ và các thành phố khác đang làm gì? Chắc dòng người cũng đang đi, đang cười, đang nói. Đêm nay, từ những hải đảo, từ những tiền đồn trên biên giới xa xôi, các anh chiến sĩ đang làm gì?

Tôi bỗng nhớ những con đường chót vót Trường Sơn, những trạm giao liên đã đưa tôi về phương Nam, đưa tôi đến ven đô, đưa tôi về Sài Gòn. Đêm nay, các anh chị đó đang làm gì? Ở đó, gió đang reo, biển đang hát. Các anh chị chắc đang kết đèn trong những rừng cây. Có thể các anh các chị sẽ bắn những loạt đạn đỏ rực lên trời. Trời là chỗ cao nhất, là nơi mọi tầm nhìn quy tụ lại đó, nhìn thấy ở đó cái hiệu lệnh của niềm vui đêm nay.

8 giờ kém 5 phút. Anh bộ đội bỏ phát pháo hoa đầu tiên vào nòng. Trời Sài Gòn bỗng sáng rực rỡ. Hoa xanh hoa đỏ bay trên trời, bay trên mặt nước.
 
Sau ngày về Sài Gòn, tôi tìm được đứa cháu gái con một người bạn. Ngày ấy, anh bạn tôi đi theo một mũi tấn công vào Sài Gòn. Anh hẹn với tôi sẽ gặp tôi ở “Dinh Độc Lập”. Lần ấy, tôi không vào được Dinh Độc Lập. Còn anh bạn tôi thì không về nữa.

Anh đã không giữ được lời hứa của anh là sẽ về Sài Gòn, để dắt đứa con anh cùng đi xem pháo hoa, mà kể cho nó nghe chuyện Trường Sơn, chuyện của ven đô, chuyện của bưng biền, chuyện ở rừng có những con cheo trông hiền và dễ thương như một đứa trẻ, chuyện ở dưới sông Đồng Nai có những con cá sấu cắp ngang lưng người.

Trên bàn anh ngày xưa có tấm ảnh của đứa con. Đứa con trên phong ảnh không lớn, cho nên trong đầu anh, đứa con  gái của anh cứ bé mãi. Bây giờ, nó đang đứng bên tôi. Nó đi xem bắn pháo hoa. Mắt nó đăm chiêu nhìn về phía trước. Nó chỉ biết ba nó qua câu chuyện của tôi, chỉ biết ba nó đã ngã xuống ở đường Minh Phụng. Rồi ba nó nằm đó, mãi cho đến bây giờ với một ước mong là về Sài Gòn, về tìm nó, về tìm cái niềm vui riêng trong cái niềm vui chung của cả dân tộc.

Bỗng cháu gái thở dài:
- Giả chi run rủi thế nào mà ba cháu khoan hãy vào Sài Gòn...

Tôi nhìn cháu:
- Nếu hồi ấy ba cháu không vào thì hôm nay chú sẽ không vào được và chẳng bao giờ vào được. Có điều hôm nay ở chỗ này chỉ có hai chú cháu mình...

- Ba con có nói sẽ về đưa con đi xem pháo hoa không?

Tôi quay mặt đi:
- Có. Và hôm nay chú đưa cháu đi.

Những loạt pháo bay vút lên không nổ bung ra trăm ngàn hạt kim cương lấp lánh đủ màu.
 
Đứa cháu gái reo lên:
- Đẹp quá.

Sài Gòn, 4-6-1975

NGUYỄN TRỌNG OÁNH (Trích “Nhật ký chiến dịch” - di cảo)

Tin cùng chuyên mục