Đến năm 2030 mới khắc phục xong đầu tư lệch pha cao tốc

Trước thông tin về việc điều chỉnh, bổ sung các tuyến cao tốc vào quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có sự lệch pha, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, quy hoạch mới đã tính toán đảm bảo cân bằng, đáp ứng nhu cầu phát triển tại các vùng miền. 
Nhiều tuyến cao tốc phía Bắc có hiệu quả kinh tế thấp như Hòa Lạc - Hòa Bình. Ảnh: TTXVN
Nhiều tuyến cao tốc phía Bắc có hiệu quả kinh tế thấp như Hòa Lạc - Hòa Bình. Ảnh: TTXVN

Hiện trong khoảng 1.000km đường cao tốc đang khai thác, khu vực phía Bắc chiếm gần 800km. Tuy nhiên, đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 4.928km đường cao tốc được đầu tư. Trong đó, khu vực miền núi phía Bắc được đầu tư 801km, khu vực đồng bằng sông Hồng khoảng 874km, khu vực miền Trung và Tây Nguyên là 1.126km, khu vực Đông Nam bộ khoảng 1.457km, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 670km. Như vậy, tỷ lệ chiều dài đường cao tốc bình quân đầu người của các vùng sẽ gần tương đương nhau: đồng bằng sông Hồng (0,037km/1.000 người dân), ĐBSCL (0,035km/1.000 người dân), khu vực miền Trung và Tây Nguyên (0,037km/1.000 người dân). 

Về việc nhiều tuyến cao tốc phía Bắc có hiệu quả kinh tế thấp như Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình nhưng đã hoàn thành đầu tư, trong khi nhiều tuyến cao tốc phía Nam được tính toán có hiệu quả kinh tế cao hơn như Biên Hòa - Vũng Tàu, TPHCM - Mộc Bài … lại chưa thể triển khai, đại diện Bộ GTVT cho biết, các tính toán nêu trên dựa trên kết quả nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại thời điểm trước năm 2010, đến nay các thông số đầu vào đã có nhiều thay đổi. Hơn nữa, hiệu quả các dự án do JICA công bố là hiệu quả về mặt kinh tế xã hội, trong khi các nhà đầu tư BOT cần tính toán hiệu quả tài chính. Bộ GTVT cũng cho biết, các tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, TPHCM - Mộc Bài, Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3 TPHCM… đang được Bộ GTVT và các địa phương triển khai chuẩn bị đầu tư nhưng khả năng huy động vốn còn rất chậm so với kế hoạch. 

Bộ GTVT cho rằng, kinh phí đầu tư khu vực phía Nam nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng thường cao hơn so với các vùng khác, do địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp, nguồn vật liệu khan hiếm. Đặc biệt, khu vực ĐBSCL có điều kiện thuận lợi cho vận tải thủy nên nhu cầu vận tải bằng đường bộ sẽ bị san sẻ, giảm hấp dẫn phương án tài chính cho các dự án khi kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân.

Về ý kiến cần đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách kể cả khi ít nhà đầu tư quan tâm, Bộ GTVT cho rằng, trong một số trường hợp cần thiết, nếu không huy động được nguồn vốn tư nhân, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư. Thực tế trong thời gian qua, hàng loạt dự án quan trọng đã được triển khai đầu tư không phải bằng nguồn vốn của tư nhân như: cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Trong quy hoạch mạng đường bộ cao tốc điều chỉnh lần này, ngoài các tuyến cao tốc đã có trong quy hoạch trước đây, Bộ GTVT đã bổ sung thêm khoảng 100km cao tốc như: Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh và kéo dài tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tới cảng Trần Đề. Đồng thời, Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc (dài 247km), Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau (dài 225km). Như vậy, mạng lưới đường bộ cao tốc tại khu vực ĐBSCL sắp tới sẽ hoàn thiện hơn.

Tin cùng chuyên mục