Đền thờ Vua Hùng ở cực Nam Tổ quốc

Hàng trăm năm qua, tại vùng đất cực Nam Tổ quốc, những người dân đi mở cõi, khai phá vùng đất mới đã dày công xây dựng và gìn giữ đền thờ Vua Hùng. Câu chuyện đền thờ Vua Hùng tại tỉnh Cà Mau thắm đượm tình yêu quê hương đất nước và tưởng nhớ về nguồn cội…
Đền thờ Vua Hùng ở cực Nam Tổ quốc

Hàng trăm năm qua, tại vùng đất cực Nam Tổ quốc, những người dân đi mở cõi, khai phá vùng đất mới đã dày công xây dựng và gìn giữ đền thờ Vua Hùng. Câu chuyện đền thờ Vua Hùng tại tỉnh Cà Mau thắm đượm tình yêu quê hương đất nước và tưởng nhớ về nguồn cội…

“Con Lạc - cháu Hồng” đi mở cõi

Ngôi đền thờ Vua Hùng tọa lạc bên dòng sông Bạch Ngư ở địa bàn ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Các lão nông sống cố cựu tại đây cho biết, không thể nhớ chính xác ngôi đền này có từ bao giờ nhưng chắc chắn đã có hơn 150 năm tuổi.

Đền thờ Vua Hùng tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau

Sống từ nhỏ và lớn lên bên cạnh ngôi đền thờ Vua Hùng, ông Út Vụ (Nguyễn Quốc Vụ, 59 tuổi) nhớ lại: “Tôi nghe cha tôi kể, từ khi cha tôi theo ông nội về đây lập nghiệp thì đã có ngôi đền này rồi. Lúc đó, cha tôi 22 tuổi và hiện giờ đã mất. Nếu còn sống, năm nay cha tôi đã 110 tuổi. Do trước đây vùng đất này mới khai phá, hoang sơ, dân sống thưa thớt và cư dân còn nghèo nên không có tiền xây đền bằng gạch mà dựng bằng cây lá địa phương. Ban đầu người dân gọi là miếu chứ chưa phải đền. Do làm bằng cây lá nên miếu hay bị mối mọt ăn nên phải làm lại và cũng đã có lần trúng bom trong chiến tranh nhưng mấy ngày sau người dân địa phương đã dựng lại”.

Sau nhiều lần sửa chữa, năm 2006, đền thờ Vua Hùng được trùng tu quy mô lớn, mặt chính của đền quay ra hướng quốc lộ 63 thay cho hướng ra sông Bạch Ngưu trước đây. Ngày 5-4-2011, đền thờ Vua Hùng được UBND tỉnh Cà Mau công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ông Út Vụ cho biết, hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch), chính quyền địa phương và nhân dân tập trung về đền tổ chức lễ giỗ rất long trọng. Đây cũng là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính với các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước; đồng thời cũng cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, người dân ấm no, hạnh phúc. “Trước đây, năm nào tới ngày giỗ Vua Hùng, mẹ tôi cũng thuê đoàn hát bội và cải lương về biểu diễn cho bà con trong vùng xem... ông Út Vụ kể.

Một tiết mục trong chương trình “Hồn quốc Tổ theo bước chân mở cõi”

Năm nay, cũng như mọi năm, những ngày qua, Ban quản lý đền thờ Vua Hùng và người dân ấp Giao Khẩu luôn tất bật chuẩn bị các khâu cho lễ giỗ Vua Hùng. Theo kế hoạch, phần hội có các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian; phần lễ cúng thần nông, cúng các Vua Hùng… Lễ chính diễn ra đêm mùng 9 và sáng mùng 10 tháng 3 (âm lịch). Ông Châu Văn Tỷ, Trưởng ban Quản lý đền thờ Vua Hùng), cho biết: “Những ngày này, người dân địa phương ai cũng nô nức mong đến dự lễ giỗ Vua Hùng. Người góp công, người góp của để cho lễ giỗ được chu đáo, tươm tất và long trọng”.

Hướng về đất Tổ

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba” là câu ca dao quen thuộc đối với những “con Lạc - cháu Hồng” hay nhắc với nhau khi tới ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Năm nay, giỗ Tổ Hùng Vương nơi đất Tổ (do tỉnh Phú Thọ tổ chức) và Cà Mau là một trong ba tỉnh (cùng Hưng Yên và Bình Thuận) được vinh dự đại diện những “con Lạc - cháu Hồng” về tham dự.

Một tiết mục trong chương trình Hồn quốc Tổ theo bước chân mở cõido Đoàn cải lương Hương Tràm (Cà Mau) dàn dựng để giao lưu tại đất Tổ

Trên chuyến hành trình về đất Tổ, đạo diễn Nguyễn Quốc Tín, Trưởng đoàn cải lương Hương Tràm (Cà Mau), chia sẻ cảm xúc: “Lần đầu tiên tham dự lễ hội nơi đất Tổ là niềm vinh dự đối với tôi và những anh em trong đoàn. Chúng tôi là đơn vị nghệ thuật của tỉnh ở vùng đất cuối cùng của đất nước về đất Tổ với mong muốn đem các loại hình nghệ thuật đặc thù của vùng đất phương Nam ra phục vụ, giao lưu với nhân dân ở đất Tổ - Phú Thọ. Đoàn đi mang theo rất nhiều kỳ vọng, gửi gắm không chỉ tấm lòng của người dân  tỉnh Cà Mau mà còn của cả miền Nam. Chúng tôi sẽ cùng anh em quyết tâm làm những gì tốt nhất có thể. Đây cũng là lễ vật dâng lên các vị Vua Hùng”.

Là người trực tiếp chấp bút viết kịch bản cho chương trình, ông Nguyễn Tiến Dương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên Cà Mau đại diện cho các tỉnh phía Nam tham gia giao lưu, phục vụ nhân dịp giỗ Tổ, bản thân tôi thấy trách nhiệm và sự vinh dự to lớn khi hoàn thành kịch bản này. Kịch bản mang tựa đề Hồn quốc Tổ theo bước chân mở cõi, gồm 3 phần: thứ nhất nói về Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ; thứ hai nói về các đời Vua Hùng; thứ ba nói về vùng đất Cà Mau. Tại Cà Mau, đền thờ Vua Hùng được cất lên từ khi có con người đến vùng đất này khai phá. Vì vậy, ý tưởng kịch bản của tôi là muốn gửi gắm với tất cả mọi người sống trên dãy đất hình chữ S đều là “con Lạc - cháu Hồng”. Chương trình như một sử thi nhưng tạo ra cách mới lạ là xen cả nhạc tân, nhạc cổ để tạo cho vở diễn được mới mẻ và hoành tráng”.

NGỌC CHÁNH

 Nhiều trường học tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương

(SGGP).- Ngày 15-4, tại Trường THPT Hùng Vương đã diễn ra lễ giỗ Tổ Hùng Vương do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo UBND TPHCM, đại diện các sở, ban ngành của TP. Trong không khí trang trọng, tưởng nhớ công ơn dựng nước của các vua Hùng, thầy và trò Trường THPT Hùng Vương đã tái hiện truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, thời đại Hùng Vương với các nhân vật Mai An Tiêm (sự tích quả dưa hấu), Lang Liêu (sự tích bánh chưng - bánh giầy) cùng các nhân vật Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Sơn Tinh - Thủy Tinh…Tiếp đó, là các hoạt động văn tế, dâng hương, biểu diễn sắc phục các dân tộc Việt Nam phong phú màu sắc, đa dạng kiểu dáng và các hoạt cảnh sân khấu hóa, văn nghệ… minh họa bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, ở phần biểu diễn võ thuật cổ truyền, trên nền nhạc của bài hát Nơi đảo xa được tái hiện câu chuyện cảm động về hình ảnh người lính làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi tuyến đầu ngọn sóng. Dịp này, học sinh hai khối 10 và 11 đã tổ chức gói bánh chưng để dâng lên bàn thờ tổ.

Dịp này, nhiều trường THPT ở TPHCM đã tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương với nhiều hình thức khác nhau như tổ chức lập bàn thờ, chuẩn bị mâm cỗ với đầy đủ các lễ vật cung tiến vua cha, tri ân tổ tiên như bánh chưng, bánh giầy, xôi, gà… Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng ở các trường học đã bồi đắp truyền thống yêu nước, lòng tri ân tổ tiên, khắc ghi đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và nhắc nhở học sinh trách nhiệm bảo vệ, xây dựng đất nước.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục