Đến với Mô Rai

Trước đây, xã Mô Rai còn nghèo lắm, vùng đất hoang sơ ấy không có đường giao thông, không có điện, không có chợ và dân cư rất thưa thớt… Từ thị trấn huyện Sa Thày muốn đến với Mô Rai vào mùa khô ta phải băng rừng mất vài ngày. Còn mùa mưa thì không ai đến được Mô Rai bởi nó như một ốc đảo bị nước lũ chia cắt với bên ngoài có khi cả tháng trời.
Đến với Mô Rai

Trước đây, xã Mô Rai còn nghèo lắm, vùng đất hoang sơ ấy không có đường giao thông, không có điện, không có chợ và dân cư rất thưa thớt… Từ thị trấn huyện Sa Thày muốn đến với Mô Rai vào mùa khô ta phải băng rừng mất vài ngày. Còn mùa mưa thì không ai đến được Mô Rai bởi nó như một ốc đảo bị nước lũ chia cắt với bên ngoài có khi cả tháng trời.

Một xã đặc biệt

Chiếc xe đưa chúng tôi theo quốc lộ 14C về xã Mô Rai mà bụi đỏ bốc lên cuốn theo xe mịt mù. Mùa khô xe còn chạy được chứ mùa mưa thì đất đỏ vữa ra dẻo quánh bám chặt lấy bánh xe… Có chỗ đường bị nước cuốn trôi hàng chục mét không cách nào vượt qua. Đường vào xã ngoằn ngoèo nhỏ, hẹp uốn lượn qua Vườn quốc gia Chưmomray cây cối xanh ngắt với nhiều ngã ba khiến người đi không quen đường rất dễ bị lạc.

Chỉ huy đơn vị 78 thăm hỏi bà con dân tộc Rơ Măm.

Chỉ huy đơn vị 78 thăm hỏi bà con dân tộc Rơ Măm.

Rơ Chăm Len, Bí thư Đảng ủy xã là người dân tộc Rơ Măm sinh ra và lớn lên tại làng Le của xã Mô Rai. Năm 1977 Rơ Chăm Len đi bộ đội, năm 1983 ông ra quân về làm Bí thư xã đoàn, được giao Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã rồi Phó bí thư, nay là Bí thư Đảng ủy xã. Suốt hơn 20 năm làm cán bộ địa phương, ông đã được chứng kiến nỗi khổ của bà con trước đây cũng như sự phấn khởi, mừng vui khi quê hương ông đổi mới từng ngày.

Mô Rai là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Sa Thày tỉnh Kon Tum, trong kháng chiến xã có nhiều thành tích đã được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nói là xã đặc biệt bởi diện tích đất tự nhiên của xã Mô Rai là 1.580km2 (xã có diện tích lớn nhất nước) và rộng gần gấp đôi diện tích đất tự nhiên của tỉnh Hà Nam (859,7km2). Đất rộng thế nhưng dân số xã Mô Rai lại rất thấp chỉ khoảng 2.030 khẩu với hơn 500 hộ gia đình.

Xã chỉ có hai dân tộc anh em sinh sống đó là dân tộc Rơ Măm (một trong 2 dân tộc ít người nhất Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 100 hộ với 399 khẩu sống tập trung tại làng Le) còn lại là bà con dân tộc J’Rai. Xã Mô Rai có đường biên giới dài tới 95km nhưng chỉ có một tuyến đường quốc lộ duy nhất chạy qua xã. Và xã Mô Rai đến nay vẫn chưa có thị trường hàng hóa, mà bà con ở đây vẫn sống theo cách tự sản, tự tiêu.

Trên đường vào xã Mô Rai, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp những chiếc xe gắn máy chở lỉnh kỉnh đầy hàng hóa, chạy vào xã. Đại tá Hồ Đăng Hệ, Chính ủy Đoàn kinh tế - Quốc phòng 78 nói với tôi: Đấy là nhân viên của “Công ty 2 sọt” đang chở hàng vào giao cho những gia đình công nhân của lâm nông trường đấy.

Anh giải thích: Xã Mô Rai chưa có chợ hoạt động nên từ khi con đường này được thông tuyến, anh em công nhân và bà con trong xã có nhu cầu mua bán hàng hóa phải ra trung tâm huyện Sa Thày mới mua được hàng hóa tiêu dùng hàng ngày. Nhưng từ trung tâm huyện vào đến xã xa khoảng 60km nên không phải lúc nào cũng đi được. Có cầu là có cung nên đã hình thành một số người có xe máy chuyên chở hàng hóa vào xã cho bà con. Sáng sớm hàng ngày ai có nhu cầu hàng hóa gì chỉ cần gọi điện thoại ra trung tâm huyện đặt hàng, thế là gần trưa đội quân xe máy sẽ mang hàng vào giao tận nơi. Nhà nào có hàng hóa cần trao đổi, mua bán, đội quân này sẽ mua và chở ra trung tâm huyện để bán…

Mô Rai chuyển mình

Ông A Dói, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mô Rai cho biết: Trước đây bà con khó khăn lắm, chưa biết trồng lúa nước, chỉ tỉa đậu, bắp, khoai, sắn để ăn và quanh năm chỉ sống luẩn quẩn trong rừng nên cái đói, cái nghèo cứ bám chặt lấy dân làng. Từ khi có đơn vị 78 về đây cắm quân, bà con bớt khổ. Bộ đội mở đường giao thông, khai phá đất đai, hướng dẫn bà con trồng lúa nước, trồng cây ăn trái, trồng cây cao su, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay bà con của xã này đã trồng được gần 30 ha lúa nước có năng suất cao, 60 hộ gia đình đồng bào dân tộc nhận khoán chăm sóc cao su, có 47 thanh niên địa phương đã vào làm công nhân đơn vị 78 với lương bình quân hơn 2 triệu đồng/tháng. Không chỉ thoát đói nghèo mà nay xã đã có hàng chục hộ gia đình đang phát triển cao su tiểu điền.

Đại tá Hồ Đăng Hệ nói với tôi: Mấy năm gần đây, tết nào chúng tôi cũng tổ chức gói bánh chưng tặng cho bà con mỗi hộ 2 chiếc, tặng cho mỗi thôn, làng một con heo, bộ đội đến cùng với thanh niên trong làng mổ heo, cùng dân làng tổ chức ăn tết tập thể. Đến nay, bà con dân tộc ở xã Mô Rai đã biết thế nào là tết cổ truyền của dân tộc. Đơn vị cũng tặng cho mỗi hộ gia đình trong xã một tấm ảnh Bác Hồ để treo trong nhà và cờ Tổ quốc để treo trong những ngày lễ tết.

Xã Mô Rai đã khá hơn rất nhiều từ khi có điện lưới quốc gia về đến tận các hộ gia đình, có đường giao thông liên thôn, có điện thoại di động. Bây giờ, xã Mô Rai đã có 85% số hộ có xe gắn máy, 95% số hộ có vô tuyến truyền hình, hộ nghèo, đói đã giảm nhiều và những phong tục lạc hậu cũng đã giảm hẳn. Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc được khôi phục và phát triển. Tuy xã đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn khó khăn lắm. Năm nào cũng vậy, cứ vào tháng 3, tháng 4 là cả xã lại phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm thiết yếu để dự trữ sinh hoạt suốt trong 6 tháng mùa mưa, đủ ăn đến tháng 11.

Cần được quan tâm nhiều hơn

Mô Rai đã từng bước chuyển mình đi lên, kinh tế - văn hóa - xã hội đã khác xưa. Xã Mô Rai có Khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia Chưmomray với cánh rừng nguyên sinh có hệ động, thực vật phong phú… đỉnh Chưmomray cao nhất dãy Trường Sơn hùng vĩ, dòng sông Sa Thày uốn lượn quanh có nhiều thác nước từ trên cao đổ xuống, trông xa như những dải lụa lấp lánh nổi bật giữa phong cảnh thơ mộng của núi rừng chưa được khai thác là điều còn trăn trở của lãnh đạo địa phương.

Để Mô Rai phát triển, còn nhiều vấn đề phải bàn, nhưng theo chúng tôi, cần ưu tiên phát triển đường giao thông, khai thác tiềm năng đất đai, phát triển cây công nghiệp, đầu tư vốn cho bà con… Tôi nhớ mãi hình ảnh Bí thư Đảng ủy xã Rơ Chăm Len nói lúc chia tay: Hôm khánh thành đường điện, đưa điện lưới quốc gia về làng, bà con mừng rơi nước mắt.

Không vui mừng sao được, hàng trăm năm nay người dân nơi biên giới này có ước ao cũng chẳng thấy điện. Nay ánh điện quốc gia đã bừng sáng cả vùng rừng sâu biên giới, soi sáng khắp bản, làng. Có cái ăn, cái mặc, có ti vi theo dõi thời sự trong ngày, có điện thoại di động liên lạc ra thế giới…

Để đánh thức tiềm năng kinh tế của Mô Rai, bà con dân tộc ở Mô Rai rất cần sự quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp, có vậy Mô Rai mới có điều kiện chuyển mình thực sự đi lên

BÙI NGỌC NỘI

Tin cùng chuyên mục