Dẹp chợ tự phát trên địa bàn TPHCM: Bó tay hay… bắt tay?

Quy định xử phạt vi phạm hành chính đã có, địa phương chỉ cần làm nghiêm túc chắc chắn sẽ hiệu quả. Thế nhưng, trên các tuyến đường, thay vì dẹp người bán buôn lấn chiếm lòng lề đường, đằng này nhiều quận, phường “thừa nhận” bằng việc… thu phí!
Dẹp chợ tự phát trên địa bàn TPHCM: Bó tay hay… bắt tay?

Quy định xử phạt vi phạm hành chính đã có, địa phương chỉ cần làm nghiêm túc chắc chắn sẽ hiệu quả. Thế nhưng, trên các tuyến đường, thay vì dẹp người bán buôn lấn chiếm lòng lề đường, đằng này nhiều quận, phường “thừa nhận” bằng việc… thu phí!

Chợ trái cây tự phát trên đường Trang Tử, đoạn giáp ranh quận 5 và quận 6.

Phạt kiểu… phong trào!

Địa bàn quận Bình Tân khá rộng, tập trung các khu công nghiệp (KCN) lớn như Tân Tạo, PouYuen… “Ăn theo” các KCN, chợ tự phát mọc lên như nấm sau mưa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người lao động. Lạ ở chỗ, nơi nào có biển cấm tụ họp chợ thì nơi đó người bán, kẻ mua rất đông. Chẳng hạn như, xung quanh tuyến đường Ấp Chiến Lược - kênh Nước Đen, đếm sơ có khoảng 4 biển cảnh báo cấm đổ rác, cấm họp chợ nhưng người buôn bán tự phát vẫn đông như lễ hội. Hay như khu vực chợ tự phát dưới gầm cầu vượt Tân Tạo, khu phố 3 (tuyến đường số 5 - quốc lộ 1) ngày nào cũng có hàng chục ngàn lượt người mua sắm, dù xung quanh chợ vẫn thường xuyên treo băng rôn tuyên truyền cấm họp chợ.

Để chấn chỉnh hoạt động của các chợ tự phát, UBND phường Tân Tạo A (quận Bình Tân) đã ra kế hoạch số 202/KH-UBND ngày 24-9 với nội dung kiểm tra, xử lý trật tự, lòng lề đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 24-9 đến hết tháng 12-2014. Trong đó, thời gian cắt cử lực lượng chốt chặn diễn ra từ 5 giờ 30 đến 8 giờ và 15 giờ 30 đến 18 giờ mỗi ngày. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, vào các giờ tan ca chiều, công nhân tỏa ra từ KCN Tân Tạo, Công ty PouYuen rất đông. Chợ tự phát theo đó hoạt động nhộn nhịp hết công suất. Chúng tôi đến quan sát nhiều lần liền vẫn hoàn toàn không thấy bóng dáng của lực lượng trật tự đô thị chốt chặn. Kinh doanh bát nháo nhất phải kể tới các điểm dọc tuyến đường song hành quốc lộ 1 - Khu dân cư Bắc kênh Lương Bèo kéo đến hầm Tân Tạo; các điểm chợ tự phát nhóm họp theo giờ ra vào của công nhân KCN Tân Tạo như khu ngã tư Trần Văn Giàu - Nguyễn Cửu Phú, cầu A, dốc cầu Ông Phủ, cầu Bà Bộ…

Thống kê của UBND quận Bình Tân, trên địa bàn 10 phường có khoảng 30 chợ tự phát lớn nhỏ. Từ đầu năm 2014 đến nay, các phường đã tuần tra, xử phạt 7.210 lượt trên các tuyến đường; xử lý 14.375 trường hợp vi phạm, chiếm dụng lòng lề đường để kinh doanh, đậu xe gây cản trở giao thông với số tiền phạt trên 2,5 tỷ đồng. “Có lẽ việc kinh doanh tự phát đem lại lợi nhuận nhiều, nên cứ dẹp được chỗ này thì chợ tự phát lại phình ra chỗ khác. Xem ra việc xử phạt như mang tính chất “gãi ngứa”, chưa đủ răn đe”, một cán bộ UBND phường Tân Tạo A nói.

Cũng giống như “điểm nóng” chợ tự phát tại quận Bình Tân, các điểm trên đường Trang Tử (giáp ranh quận 5 và quận 6); chợ tự phát ôm chợ truyền thống Lê Hồng Phong (quận 10), chợ dọc tuyến đường Bạch Vân (ăn theo chợ Hòa Bình, quận 5)… cũng hoạt động công khai, bị xử lý cầm chừng. Các lực lượng chức năng cứ ra quân theo kiểu “chiến dịch”, hết “chiến dịch” thì… đâu lại vào đấy!

Khó khăn đổ lỗi cho dân…

Trao đổi với Báo SGGP, ông Lương Bình Dân, Đội phó Đội Quản lý trật tự đô thị (Phòng Quản lý đô thị quận 6) than rằng, xử phạt chợ tự phát trên đường Trang Tử chẳng khác nào bắt cóc bỏ dĩa. Bởi thực tế, nếu phía quận 6 làm mạnh tay thì những người buôn bán chạy dạt qua mé phường 14, quận 5 (tức đoạn đường đối diện). Sau đó nếu quận 6 lơ là, đội quân bán rong sẽ kéo về chỗ cũ. Điệp khúc đẩy đuổi nơi này chạy sang nơi khác cứ thế tái diễn.

Ông Lê Phước Tài, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Tạo A, quận Bình Tân thừa nhận, địa phương chỉ xử lý được phần ngọn là đẩy đuổi, xử phạt, nhưng chưa có nghiên cứu mang tính chất chuyên sâu về phát triển đặc thù của chợ tự phát nên dẫn đến cảnh dẹp được nơi này sẽ hình thành nơi khác phức tạp hơn. Ngoài ra, công tác vận động, tuyên truyền còn hạn chế; công tác chốt chặn, lực lượng chốt chặn chưa đảm bảo duy trì. “Thực tế, chúng tôi chưa dự báo được nhu cầu sinh hoạt của công nhân khi hình thành các KCN tập trung. Ngoài ra, cơ chế quản lý đảm bảo an sinh xã hội chưa có giải pháp căn cơ. Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung xử lý, sắp xếp trật tự khu vực xung quanh tuyến đường chợ Bà Hom, tăng chốt chặn, xử lý thật nặng các đối tượng cố tình vi phạm. Về lâu dài, chúng tôi sẽ nghiên cứu, kiến nghị quy hoạch khu vực phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho công nhân với giá cả hợp lý…”, ông Lê Phước Tài nói.

Ông Hoàng Văn Sinh, Chủ tịch UBND phường 1, quận 10 cho biết, việc lập lại trật tự, kinh doanh buôn bán quanh khu vực chợ trên đường Lê Hồng Phong được chính quyền thực hiện đều đặn, thường xuyên. Nhưng để giải quyết dứt điểm chuyện lấn chiếm hẻm, buôn bán tràn ra lối đi… lại không đơn giản. Phường chủ trương tạo điều kiện, kẻ vạch sơn để các hộ kinh doanh bám hẻm (phần lớn là hộ nghèo) ổn định cuộc sống. Trường hợp nào cố tình vi phạm, UBND phường sẽ gọi lên nhắc nhở, xử phạt ngay. Ông Bùi Công Thành, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận Bình Tân cho rằng, tình trạng mua bán tự phát ở các tuyến đường trên địa bàn quận vẫn diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng sẵn sàng liều lĩnh chống trả, gây va chạm với lực lượng chức năng. Nguyên nhân chính xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế.

Chưa đầy 12 tháng nữa, UBND các quận, huyện trên địa bàn TPHCM buộc phải dẹp bỏ chợ tự phát theo đúng tinh thần chỉ thị số 26/2014/CT-UBND. Nhưng xem ra, cứ “kể khổ, kêu khó” như thế, e rằng chỉ thị cấp trên sẽ khó đạt kết quả.

THI HỒNG - HÀN NI

- Bài 1: Giơ cao đánh khẽ!

Tin cùng chuyên mục