Sau nhiều cuộc rượt đuổi với dầu thô, đến nay dệt may đã chắc chắn lên ngôi số 1 trong top những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Với kim ngạch hơn 11 tỷ USD trong năm 2010, dệt may đã bỏ xa vị trí số 2 của da giày. Dù chịu nhiều tai tiếng khi bị cho là ngành “làm nhiều, ăn ít”, nhưng phải thừa nhận dệt may đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của Việt Nam.
Vượt khó ngoạn mục
Ở thời điểm cuối năm 2009, ngành dệt may Việt Nam luôn thấp thỏm, hồi hộp nhưng cuối cùng cũng về đích ngoài dự báo. Việt Nam là một trong số nước hiếm hoi đạt kim ngạch xuất khẩu dương và có tăng trưởng trong năm 2009, năm nền kinh tế thế giới chịu nhiều sóng gió. Và tại thời điểm này, ngành dệt may Việt Nam khá hoan hỉ với kết quả đạt được cùng với những cơ hội rất thuận lợi cho xuất khẩu trong năm tới. Từ tháng 7-2010 đến nay, liên tục dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/tháng. Với 10,05 tỷ USD trong 11 tháng, chắc chắn dệt may sẽ vượt mốc 10,5 tỷ USD và sẽ hơn 11 tỷ USD trong năm nay, đạt mức tăng trưởng trên 20%.
Trong năm 2010, Mỹ vẫn là thị trường chủ lực của dệt may Việt Nam. Trong khi một số nước xuất khẩu dệt may vào Mỹ bị sụt giảm thì Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao (khoảng 20%), chiếm 55% thị phần xuất khẩu vào thị trường này, EU 20%, Nhật Bản gần 10%. Với những thuận lợi trong các hiệp định thương mại được ký kết, Việt Nam đang mở rộng thị trường xuất khẩu dệt may sang nhiều thị trường tiềm năng khác. Bên cạnh đó, dệt may cũng đang nỗ lực mở rộng thị phần ở các thị trường truyền thống cũng như tại các thị trường mới. Việt Nam đã trở thành nhà cung ứng hàng dệt may lớn và lọt vào top 5 nhà sản xuất dệt may lớn nhất thế giới. Tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, dệt may Việt Nam đứng thứ 2 trong xuất khẩu mặt hàng này.
Xuất khẩu chủ lực
Trong nhiều năm qua, khi Việt Nam chưa chính thức vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dầu thô vẫn đứng ở vị trí số 1 về kim ngạch xuất khẩu. Nhưng sang năm nay, với việc giảm xuất khẩu, ưu tiên dành nguyên liệu dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, chắc chắn dệt may sẽ thay dầu thô nắm giữ vị trí cao nhất và càng có cơ sở khẳng định “ngôi vương” của dệt may sẽ còn “thống trị” lâu hơn khi đang bỏ xa ngành da giày về kim ngạch xuất khẩu.
Với những nỗ lực vượt qua khó khăn của đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, chúng ta không thể không ghi nhận những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp dệt may trong nước. Đó là việc giữ vững sản xuất, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.
Sau những vỡ lẽ về việc nhiều doanh nghiệp dệt may FDI có dấu hiệu khai lỗ, trốn thuế trong nhiều năm qua, chúng ta có quyền nghĩ rằng dệt may không đến nỗi “quá tệ” trong đóng góp thực vào nền kinh tế. Nếu các cơ quan chức năng có cách để kiểm soát tốt trong thời gian tới, chắc chắn doanh nghiệp dệt may FDI sẽ có đóng góp tích cực hơn cho kinh tế đất nước. Và trong điều kiện thuận lợi hiện nay, dệt may Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế trong đàm phán giá cả với khách hàng. Trước cơ hội này, ngành dệt may đã đặt mục tiêu đạt khoảng 14-15 tỷ USD trong năm tới. Và đến năm 2015 xuất khẩu sẽ chạm mức 19-20 tỷ USD.
Có thể nói, chưa bao giờ doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang có cả thời và thế như hiện nay. Nếu tận dụng tốt điều này, chắc chắn dệt may sẽ nâng cao giá trị gia tăng lên mức cao hơn. Dệt may thật sự đang là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Mỹ Hạnh