Dệt may xuất khẩu tăng trưởng cao, lợi nhuận giảm

Xuất khẩu tiếp tục đột phá
Dệt may xuất khẩu tăng trưởng cao, lợi nhuận giảm

Ngành dệt may Việt Nam (VN) tiếp tục khẳng định ngôi vị số 1 trong xuất khẩu (XK), với tăng trưởng hơn 30% trong nửa năm 2011. Tuy nhiên, với sự biến động quá lớn từ thị trường nguyên liệu và chi phí đầu vào cho sản xuất, doanh nghiệp dệt may đang lo lợi nhuận sẽ giảm.

Năng suất lao động cao, công nhân được thưởng nhiều hơn. Trong ảnh: Sản xuất quần kaki xuất khẩu tại Công ty May Sài Gòn 3. Ảnh: M.HẠNH

Năng suất lao động cao, công nhân được thưởng nhiều hơn. Trong ảnh: Sản xuất quần kaki xuất khẩu tại Công ty May Sài Gòn 3. Ảnh: M.HẠNH

Xuất khẩu tiếp tục đột phá

Dù không phải mùa cao điểm của XK dệt may nhưng 6 tháng đầu năm 2011, dệt may vẫn đạt 6,16 tỷ USD, trung bình kim ngạch XK 1 tỷ USD/tháng. So với kim ngạch trung bình 500 - 800 triệu USD/tháng của năm trước đây thì tỷ lệ tăng năm nay đạt mức khá cao. Sự gia tăng này một phần do giá bán tăng theo giá nguyên liệu, tăng thị phần xuất khẩu vào những thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản cũng như mở rộng thêm thị trường ở những khu vực khác.

Đang trên đà tăng trưởng tốt và bắt đầu bước vào mùa cao điểm XK với những đơn hàng có giá trị cao, ngành dệt may chắc chắn sẽ vượt mục tiêu 13 tỷ USD, về đích với khoảng 13,5 tỷ USD XK trong năm nay.

Hiệp hội Dệt May VN (Vitas) cho biết, hiện VN là nước cung ứng hàng dệt may lớn thứ 2 tại thị trường Mỹ, sau Trung Quốc. Nếu đàm phán TPP đạt thuận lợi, hàng dệt may VN XK vào Mỹ sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi, từ đó, mở ra cơ hội lớn gia tăng thị phần ở thị trường này.

Lợi nhuận giảm

Dù XK tăng trưởng cao, doanh thu mang lại rất nhiều nhưng doanh nghiệp dệt may đang lo ngại lợi nhuận sẽ giảm mạnh. Các doanh nghiệp lớn, có hàng ngàn lao động càng lo hơn. Thực tế, dù đang ở thế được nhà nhập khẩu cậy nhờ, giá bán hàng FOB (mua đứt, bán đoạn) tăng 15%, hàng gia công tăng 5%-10% so với cùng kỳ năm trước nhưng doanh nghiệp không vui vì lạm phát tăng, chi phí bỏ ra cho đầu vào tăng cao. Giá mua nguyên liệu vải tăng 50%, bông vải tăng 235% so với cùng kỳ năm 2010. Thêm vào đó, nhiều chi phí sản xuất cũng tăng, giá điện tăng làm cho giá thành sản xuất tăng 0,38% -1,33%. Quan trọng và chiếm phần lớn trong chi phí đầu vào của doanh nghiệp đó là tăng 20% lương và trợ cấp trượt giá cho người lao động.

Ông Trần Quang Nghị, Phó chủ tịch Vitas, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May VN (Vinatex) cho biết, để bù trượt giá, chăm lo đời sống cho người lao động, các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex đã chủ động tăng 20% lương cho lao động. Hiện nay, mức lương bình quân của toàn hệ thống ở khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, nhiều doanh nghiệp lớn có mức lương cao khoảng 4,5 - 5,5 triệu đồng/tháng. Việc chấp nhận giảm lãi, tăng lương, chăm lo tốt cho người lao động đang là chính sách ưu tiên hàng đầu trong chiến lược thu hút, giữ chân người lao động của doanh nghiệp dệt may VN.

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục