Đồng chí Đào Duy Quát, Phó Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương:

ĐH không trực tiếp bầu Tổng Bí thư vì điều kiện chưa chín muồi

Báo SGGP
ĐH không trực tiếp bầu Tổng Bí thư vì điều kiện chưa chín muồi

Hôm qua, 23-4, ĐH đã chốt lại danh sách 207 người để bầu Ủy viên chính thức BCH TƯ khóa X và 46 người để bầu ủy viên dự khuyết. Trong số những người do BCHTƯ khóa IX giới thiệu và ĐH đề cử, đã có nhiều người xin rút. Đồng chí Đào Duy Quát, Phó Trưởng ban TT-VH TƯ trả lời báo chí xung quanh các thông tin này.

- Phóng viên:
Có bao nhiêu người đề cử xin rút?

- Đồng chí ĐÀO DUY QUÁT:
Hôm 22-4, có 80 người được ĐH đề cử vào danh sách ủy viên chính thức, hôm 23-4 rút lại còn 33 người; danh sách ủy viên dự khuyết do ĐH đề cử là 40 người, rút còn 16 người.

ĐH không trực tiếp bầu Tổng Bí thư vì điều kiện chưa chín muồi ảnh 1
Đồng chí Đào Duy Quát trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: M.Đ.

- Đối với những trường hợp không có trong danh sách BCHTƯ khóa IX giới thiệu nhưng được ĐH đề cử thì có được đưa vào trong danh sách bầu cử không?

- Có chứ! Trong trường hợp này có nhiều đồng chí không rút tên, ví dụ như đồng chí Hồng Vinh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban TT-VH TƯ.

- Trong số người được đề cử thêm có ai không kịp làm thủ tục hồ sơ?

- Có 2 trường hợp không kịp làm.

- Nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị không nằm trong danh sách Trung ương khóa IX giới thiệu, nay có sự đề cử của ĐH thì có ai xin rút không?

- Những trường hợp như Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; Phó Thủ tướng Vũ Khoan; Trưởng ban Tổ chức TƯ Trần Đình Hoan, Trưởng ban TT-VH TƯ Nguyễn Khoa Điềm đều được ĐH đề cử nhưng họ đều xin rút cả!

- Ông có thấy những người đó đều có năng lực, trí tuệ để tiếp tục làm việc không?

- Theo tôi, vì tính Đảng rất cao nên các đồng chí ấy mới xin rút, chứ nếu vì sự nghiệp, thì các đồng chí ấy nên ở lại. Các đồng chí ấy không được BCHTƯ khóa IX giới thiệu, nên rút. Đó là điều khó…

- ĐH có xem xét về độ tuổi của các ứng viên không?

- Có. Sau khi thảo luận tại các Đoàn, ĐH cũng đồng ý là châm chước tuổi, trong lúc thảo luận cũng có mấy ý kiến nói về chuyện tuổi, nhìn chung là không quá cứng nhắc. Chẳng hạn quy định tuổi tối đa là 55, nhưng các Thứ trưởng Bộ Ngoại giao toàn 57 cả.

- Trước khi gút lại danh sách 207 người bầu vào Ủy viên chính thức BCHTƯ khóa X, có ai trong số họ xin rút không?

- Có 1 đồng chí. Đó là Bộ trưởng Mai Ái Trực, người được BCHTƯ khóa IX giới thiệu.

- Trong số 207 đồng chí này có bao nhiều người không dự ĐH?

- Đầu tiên có 10 người không nằm trong đại biểu. Trong số đó có 2 người nằm trong danh sách TƯ giới thiệu. Đại biểu được giới thiệu vào danh sách bầu ủy viên dự khuyết cũng có nhiều người không nằm trong danh sách dự ĐH, ví dụ đồng chí Trần Bình Minh (Đài THVN).

- Ai sẽ chủ trì Hội nghị lần thứ nhất BCHTƯ khóa X?

- Sẽ do một Ủy viên Bộ Chính trị được tái cử vào BCHTƯ khóa X. Nếu có nhiều người được tái cử thì do UV BCT có số phiếu bầu cao nhất.

- Có bao nhiều đồng chí trong BCT khóa IX được TƯ khóa IX giới thiệu vào BCT khóa X?

- Có 6 đồng chí là Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng và Lê Hồng Anh. Còn 8 đồng chí trong BCT không có trong danh sách, trong đó có nhiều đồng chí tự xin rút mặc dù ĐH đã đề cử.

- Ban Bí thư cũ có mấy người trong danh sách bầu cử?

- Ngoài đồng chí Vũ Khoan xin rút, còn lại đều có trong danh sách như đồng chí Nguyễn Văn Chi, Tòng Thị Phóng, Lê Văn Dũng, Trương Vĩnh Trọng.

- Việc lấy phiếu tín nhiệm chức danh Tổng Bí thư sẽ diễn ra như thế nào?

- Sáng 24-4, sau khi công bố kết quả bầu BCHTƯ khóa X, mỗi đại biểu sẽ nhận 1 phiếu giới thiệu để viết tên người được đề cử làm Tổng Bí thư. Chiều cùng ngày, BCHTƯ khóa X họp hội nghị lần thứ nhất, Đoàn Chủ tịch sẽ công bố với hội nghị kết quả tín nhiệm của ĐH X. Cùng với danh sách giới thiệu của Bộ Chính trị khóa IX, kết quả tín nhiệm là cơ sở để BCHTƯ khóa X bầu Tổng Bí thư. Trong số người trúng Bộ Chính trị, ai có kết quả tín nhiệm cao nhất sẽ được BCHTƯ khóa X giới thiệu làm ứng viên bầu Tổng Bí thư.

- Vì sao ĐH không trực tiếp bầu TBT?

- Vì điều kiện chưa chín muồi. Nhiều vấn đề chưa có quy định. Tôi nghĩ, có thể đến ĐH khóa XI, ĐH sẽ trực tiếp bầu TBT.

- ĐH đã có quyết định là sau khi ĐH Đảng X sẽ bầu lại các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng chưa?

- Đảng không quyết định điều ấy. Thứ nhất, chắc là các đồng chí trong Bộ Chính trị sẽ bàn để làm sao tốt nhất. Theo tôi cũng cần có sự chuẩn bị, chứ làm sao làm ngay được. Thứ hai là sắp chuẩn bị hội nghị APEC. Nhìn chung, công tác chuẩn bị phải mất vài tháng, để các đồng chí cũ làm nốt những việc dang dở…

- Các đồng chí Nguyễn Văn An, Trần Đức Lương… không có tên trong Bộ Chính trị khóa X có thể tiếp tục điều hành hội nghị lớn như APEC không?

- Tôi nghĩ là không có vấn đề gì.

- Có khả năng những chức vụ chủ chốt như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng không phải là Ủy viên Bộ Chính trị?

- Đây là bước chuyển tiếp thôi. Những đồng chí đó hiện nay vẫn là Ủy viên Bộ Chính trị đấy thôi. Không nên nhấn mạnh vào điểm này, xem đây là tiền lệ… Đó là thời gian quá độ thôi. Không được xem đây là tiền lệ. Đảng ta là Đảng cầm quyền và chúng ta nghĩ đó là sự lồng ghép!

- Với trường hợp của TBT Nông Đức Mạnh, giả sử nếu lấy ý kiến thăm dò ĐH không được tín nhiệm cao, thì có đưa vào danh sách để bầu vào chức danh TBT khóa X không?

- Hiện nay TBT Nông Đức Mạnh là người có tín nhiệm cao nhất! Đã lấy phiếu ở BCHTƯ khóa IX rồi mà!

- Nhưng đó là ở BCHTƯ khóa IX, còn ở ĐH...?

- Phải chờ đến ngày mai khi ĐH ghi phiếu tín nhiệm chức danh TBT!

- Nhưng nếu xảy ra phương án TBT Nông Đức Mạnh được phiếu tín nhiệm thấp ở ĐH?

- Khó có phương án ấy...

- Trong 207 người để bầu vào BCHTƯ khóa X, thì có bao nhiêu người là Ủy viên BCHTƯ khóa IX, tỷ lệ đó là bao nhiêu?

- Tỷ lệ tái cử là gần 50%...

- Gần 50%...

- Như thế là đã đổi mới mạnh rồi. Khóa X vậy là đổi mới rất mạnh so với các khóa trước rồi. Tuy nhiên, theo tôi, cái quan trọng hơn là phải đổi mới quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm cán bộ. Bởi vì, nếu chúng ta không đổi mới được điều này thì khó chọn được nhân tài. Tôi nghĩ cần phải có cơ chế ai tiến cử thì người đó phải chịu trách nhiệm. Nếu không, người tiến cử đầy quyền lực nhưng lại tiến cử không có trách nhiệm, thì dễ xảy ra tiêu cực. Vì vậy, người tiến cử, cơ quan tiến cử phải chịu trách nhiệm. Và nếu tôi tiến cử anh, mà anh lên làm việc ngon lành thì tôi cũng phải được thưởng. Trước đây người phát hiện ra nhân tài được cấp đất, có bổng lộc đấy! Còn nếu tiến cử kẻ lưu manh thì phải bị xử phạt chứ! Đúng không? Chúng ta phải đổi mới cái này!

- Nhưng ở ta chưa có những quy định này?

- Đúng thế! Các nước thì có rồi. Ở Singapore, khi tuyển sinh viên y khoa, sau khi thi đủ điểm, sinh viên vẫn chưa được gọi nhập học, mà nhà trường đến khu dân cư sinh viên đó sống, lấy ý kiến người dân xem họ có đủ đức độ để làm bác sĩ không? Nếu người dân phản ánh là đủ đức độ để làm bác sĩ, thì nhà trường mới tuyển. Đó là sự tín nhiệm về đạo đức, còn về năng lực thì đã có điểm thi rồi. Đó là cách làm, cơ chế của người ta… mà mình có thể học tập.

- Xin cảm ơn ông!

- Báo SGGP: Theo thông tin vào chiều 22-4, ngoài Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, còn có các ông Nguyễn Văn Chi (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ), ông Nguyễn Thế Trung (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) và ông Nguyễn Văn Lợi (Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) mặc dù đã được BCHTƯ khóa IX giới thiệu nhưng vẫn tự ứng cử nữa! Tại sao bây giờ lại chỉ có ông Nguyễn Phú Bình tự ứng cử?

- Ông Đào Duy Quát: Điều này là do lúc đầu Ban thư ký ĐH nhầm lẫn. Sau đó phát hiện ra. Chứ thực tế, ngoài trường hợp ông Nguyễn Xuân Hãn tự ứng cử từ trước, tại ĐH chỉ có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình là tự ứng cử.

- Sao lại có sự nhầm lẫn tai hại đó được?

- Cuộc sống mà, điều gì cũng có thể xảy ra!

TUẤN QUÂN - LƯU THẢO

Tin cùng chuyên mục